12/10/10

Phát triển giáo dục so sánh trong bối cảnh Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập

Bài viết lấy ra từ Niêm Giám Khoa học 2006-2007 của Viện Nghiên cứu Giáo dục - Trường ĐHSP Tp. HCM.
Năm 2007 đánh dấu một giai đoạn mới trong sự phát triển của VN. Việc VN gia nhập WTO đã kết thúc một cách căn bản thời kỳ Đổi Mới, đưa VN thực sự hòa nhập vào cộng đồng thế giới, mở ra cho VN và giáo dục VN những cơ hội và thách thức mới. Trong bối cảnh này giáo dục VN sẽ nhận được nhiều nguồn đầu tư hơn, các trường đại học và cơ sở đào tạo có nhiều đầu mối liên kết, hợp tác hơn, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để du học hoặc tìm kiếm học bổng của các trường đại học ngoại quốc. Nhưng trên hết nhờ hội nhập, giáo dục VN sẽ đặt mình vào hệ thống chung của giáo dục toàn cầu, đánh giá mình theo những chuẩn mực phổ biến chứ không phải những tiêu chí có tính chất biệt lập, từ triết lý giáo dục cho đến nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy.
Hội nhập là cơ hội để biết thế giới đang đi đến đâu và cũng là cơ hội để nhận ra mình. Biết người, biết mình - đó chính là cái lõi của giáo dục so sánh (GDSS). Theo nghĩa đó phát triển GDSS cũng là một yêu cầu của hội nhập. Muốn hội nhập phải có sự hiểu biết lẫn nhau trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc chung thừa nhận sự tương đồng phổ biến đồng thời chứng minh tính độc đáo, bản sắc riêng của mỗi nền giáo dục ở mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. So sánh với chính mình cũng chính là một cách so sánh. Ở VN lâu nay chúng ta thường làm như vậy. Có nhiều công trình đưa ra những số liệu và phân tích chứng tỏ VN đã phát triển một bước dài so với thời kỳ phong kiến hoặc so với đầu thế kỷ trước, khi VN còn là thuộc địa của thực dân Pháp, những nghiên cứu so sánh như vậy hết sức bổ ích, nói lên được những thành tựu của giáo dục VN xét trên bình diện lịch sử. Tuy nhiên để thấy hết giá trị của những thành tựu ấy cần so sánh không chỉ về phương diện thời gian mà cả về phương diện không gian và điều này trở nên đặc biệt quan trọng và cấp bách đối với một nền giáo dục trong bối cảnh đất nước bước vào hội nhập. Những tiến bộ về phương diện lịch sử nếu mang tính cục bộ và không được đặt trong bối cảnh của thế giới đang phát triển sẽ hạn chế chính sự phát triển của dân tộc.
So sánh nói chung và phát triển giáo dục nói riêng vừa là đòi hỏi của hội nhập đồng thời cũng là dấu hiệu, thước đo của sự hội nhập. Đối với một dân tộc đang bắt đầu "bước ra biển lớn"*, mạnh dạn so sánh nền giáo dục mình với các nền giáo dục khác một cách bình đẳng và toàn diện chứng tỏ không chỉ tinh thần học hỏi để hiểu biết mà trên hết là quyết tâm đổi mới, lòng dũng cảm muốn từ bỏ những định kiến và giáo điều cũ, vượt lên trên cả sự mặc cảm lẫn lòng tự hào nhiều khi quá mức của chính mình. Bởi vậy đã so sánh thì không phải chỉ so sánh những mặt tốt, những điểm mạnh mà phải so sánh toàn diện kể cả điểm mạnh và điểm yếu. So sánh không phải chỉ để chứng minh tính ưu việt của nền giáo dục VN hay sự yếu kém của một giáo dục nào đó. Ở đây tính khách quan khoa học là nguyên tắc quan trọng nhất. Những so sánh trên tinh thần bình đẳng và nguyên tắc khách quan khoa học sẽ góp phần phát triển giáo dục VN theo hướng hội nhập, đi vào quỹ đạo chung của các nền giáo dục tiên tiến. Muốn so sánh thì phải hội nhập. Hội nhập càng nhiều thì càng có điều kiện để hiểu biết lẫn nhau, để so sánh.
Phát triển GDSS là một đòi hỏi cấp bách đối với giáo dục VN. Trước hết nó thúc đẩy việc nhận diện thực trạng của giáo dục VN một cách chính xác hơn. Hiện nay đang tồn tại những đánh giá rất khác nhau về thực trạng giáo dục. Tuy nhiên phần lớn những nhận xét, đánh giá như vậy không dựa trên những nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Những nhà hoạch định chính sách không quan tâm hoặc không tìm thấy sự hỗ trợ đầy đủ và tin cậy của giới nghiên cứu giáo dục. Bản thân các công trình nghiên cứu phần lớn mang tính cục bộ và ít đảm bảo việc tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục. Trong tình hình đó việc nghiên cứu so sánh sẽ làm cho những nghiên cứu về giáo dục trong nước không bị bó hẹp trong cái nhìn có tính chất địa phương mà có nhãn quan rộng hơn, từ đó việc nhìn nhận và đánh giá các hiện tượng giáo dục, kể cả thành tựu và những khiếm khuyết của nó sẽ có tầm hơn và do đó mà cũng chính xác hơn.
Việc nghiên cứu GDSS cũng đòi hỏi các nhà giáo dục VN phải tìm hiểu sâu hơn nữa để giới thiệu rộng rãi hơn nữa những kinh nghiệm phát triển giáo dục của các nước phát triển trên thế giới. Các công trình về vấn đề này ở VN hiện nay hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay. GDSS (comparative education) xét trên bình diện này cũng chính là giáo dục quốc tế (international education). Hiểu biết về giáo dục quốc tế đang là nhu cầu hết sức cấp bách của VN, VN đang phát triển giáo dục trên nền tảng một nền kinh tế lạc hậu đang vươn lên theo xu hướng thị trường, bởi vậy có rất nhiều điều chúng ta không cần phải tự mình phát minh mà chỉ cần học tập kinh nghiệm của các nước đi trước và vận dụng một cách thích hợp thì cũng đã là tốt lắm rồi.
Cuối cùng, phát triển GDSS là một cách phát triển ngành nghiên cứu giáo dục ở VN, góp phần hiện đại hóa hoạt động nghiên cứu giáo dục nước ta. Có một điều lạ lùng là trong khi công tác giáo dục ở VN đạt được những thành tựu rất lớn thì ngược lại hoạt động nghiên cứu giáo dục kém phát triển. Hàng loạt vấn đề về triết lý giáo dục, nội dung và chương trình giảng dạy không được thảo luận và nghiên cứu nghiêm túc về phương diện khoa học. Nhiều lĩnh vực của khoa học giáo dục như chính sách giáo dục, kinh tế giáo dục, đo lường và đánh giá, công nghệ thông tin và giáo dục, giáo dục nghệ thuật gần như bỏ trống hoặc giả mới bắt đầu được quan tâm gần đây. Số lượng các cơ quan nghiên cứu giáo dục và những người làm nghiên cứu giáo dục còn rất ít. Các nhà làm nghiên cứu giáo dục chuyên nghiệp lại càng ít hơn nữa. Bản thân ngành GDSS - chủ đề của Hội thảo hôm nay - hầu như cũng là mảnh đất trống. Trong bối cảnh đó phát triển GDSS không chỉ có ý nghĩa đối với phát triển giáo dục VN nói chung mà còn góp phần xây dựng và phát triển công tác nghiên cứu giáo dục ở nước ta hiện nay. Đến lượt mình hoạt động nghiên cứu sẽ tác động quan trọng vào thực tiễn giáo dục, trước hết thông qua khâu hoạch định chính sách.
Để xây dựng ngành GDSS ở VN hiện nay theo chúng tôi cần tiến hành những hoạt động sau :
1- Nghiên cứu về giáo dục VN: Đây là việc chúng ta đã làm nhiều năm qua, tuy chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu nhận thức thật rõ về thực chất của những vấn đề đang tồn tại và đòi hỏi được giải quyết trong hệ thống giáo dục của mình. Nay cần tiếp tục nghiên cứu về giáo dục VN với một hướng đi mới, một cách tiếp cận mới, với một tầm nhìn có tính chất quốc tế, dựa trên những chuẩn mực quốc tế, nhấn mạnh các nghiên cứu so sánh đối chiếu để giải quyết từ những vấn đề hết sức căn bản của giáo dục VN, chẳng hạn như vấn đề triết lý giáo dục, vấn đề quản trị đại học, cho đến những vấn đề cụ thể như thi cử, kiểm tra đánh giá, kiểm định chất lượng,v.v. Nghiên cứu giáo dục VN là một cách đóng góp vào nghiên cứu GDSS toàn cầu vì điều đó làm đa dạng thêm bức tranh giáo dục quốc tế, giúp các nhà nghiên cứu giáo dục ở các nước có thêm tài liệu để so sánh và phát triển những nghiên cứu loại hình.
2- Nghiên cứu về giáo dục quốc tế: Muốn biết mình thì phải hiểu người. Trong thời đại toàn cầu hóa, không một quốc gia nào có thể tồn tại riêng rẽ mà không có tương tác với các quốc gia khác, việc tìm hiểu về những kinh nghiệm và thành tựu của các nền giáo dục khác là hết sức quan trọng trong việc hoạch định chính sách và chiến lược ở cấp quốc gia.
3- Tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học, xuất bản các tạp chí chuyên ngành về GDSS, tổ chức tuyển chọn và dịch thuật những tài liệu có giá trị về giáo dục quốc tế nhằm đẩy mạnh việc phát triển nghiên cứu bộ môn giáo dục quốc tế và so sánh,
4- Đưa giáo dục quốc tế và so sánh vào chương trình giảng dạy của các trường sư phạm, các trường đại học có nghiên cứu và đào tạo về giáo dục và sư phạm.
5- Lập các trung tâm, các viện nghiên cứu chuyên về GD Quốc tế và So sánh.
6- Lập Hiệp hội Nghiên cứu GD Quốc tế và So sánh ở VN và tham gia như một thành viên của Hiệp hội GD Quốc tế và So sánh Thế giới. Tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu về GDSS tham gia các hội thảo, hội nghị quốc tế để mở rộng kinh nghiệm, tri thức và thông tin trong lĩnh vực này.
Thế giới đang bước vào thời kỳ toàn cầu hóa. Đó dường như là con đường không tránh khỏi đối với các quốc gia và các dân tộc. Thế giới ngày nay đã phẳng hơn như tên cuốn sách của Thomas L. Friedman "The World is Flat". Giáo dục VN cũng như giáo dục của bất cứ quốc gia nào cũng không còn có thể đứng riêng lẻ. Vừa hoà nhập vừa giữ cho được nét riêng biệt của mình - đó là bài toán cho những nhà lãnh đạo quốc gia và cũng là bài toán cho những người làm giáo dục. So sánh là một con đường để tìm đến cái chung và để khẳng định bản sắc của mình. GDSS cần được phát triển theo mục tiêu ấy.



* Lời Chủ tịch Nguyễn Minh Triết phát biểu trong lễ đón tổng Thống Mỹ G.Bush trong chuyến thăm VN của Tổng Thống G.Bush

GS.TSKH Lê Ngọc Trà
Viện Nghiên cứu Giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Không có nhận xét nào: