25/11/15

Tích hợp môn Lịch sử: Cần một sự giải thích rõ ràng

Thời gian gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công khai Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, dự kiến tích hợp môn Lịch sử với môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc. Trước thông tin này đã có rất nhiều những phản ứng gay gắt từ các chuyên gia sử học, các giáo viên dạy lịch sử,… cho rằng việc “khai tử” môn Lịch sử ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông sẽ gây ra những thách thức và hậu quả khôn lường cho tương lai dân tộc.

Thực tế, nếu đọc hết toàn bộ dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì lại không thấy sự “biến mất” của môn Lịch sử giống như chúng ta nghĩ. Việc tích hợp Lịch sử với Giáo dục công dân chỉ là một phần nhỏ trong dự thảo này. Vai trò của môn Lịch sử vẫn được tồn tại ở cấp trung học phổng thông. Có chăng môn Lịch sử chỉ không trở nên rõ nét ở giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và trung học cơ sở).

Ở đây có một thông tin chưa đầy đủ nên dẫn đến những hiểu lầm và gây ra nhiều tranh luận trong thời gian gần đây. Chúng ta cùng xem lại “số phận” của môn Lịch sử qua từng cấp học trong dự thảo này (xem Bảng 1)



Nếu như hiện nay ở cấp tiểu học  môn Lịch sử  được đưa vào chương trình lớp 4 và lớp 5 dưới tên môn học Lịch sử và Địa lý, thì theo dự thảo mới, môn Lịch sử không có tên là một môn học riêng mà thay vao đó nội dung lịch sử và địa lý sẽ được lồng ghép trong môn học gọi là Tìm hiểu xã hội .
Ở cấp trung học cơ sở, thì nội dung này được truyền tải thông qua môn Khoa học xã hội, khác với hiện nay, Lịch sử và Địa lý là hai môn độc lập.

Ở cấp trung học phổ thông, sự phân chia có vẻ “phức tạp” hơn khi nội dung môn Lịch sử được dàn trải qua các môn: Công dân với Tổ quốc, Khoa học xã hội (là môn tự chọn dành cho học sinh có  xu hướng theo ban Tự nhiên), Lịch sử (là môn tự chọn dành cho học sinh có xu hướng theo ban Xã hội). Trong môn Công dân với Tổ quốc, một phần của lịch sử dân tộc dựng nước và giữ nước sẽ được dạy.
Như vậy, tên của môn Lịch sử vẫn còn được nhắc đến trong cấp trung học phổ thông. Tuy nhiên, một phần nội dung của nó sẽ được học bắt buộc trong môn Công dân với Tổ quốc, còn lại với môn Khoa học xã hội và Lịch sử thì là môn tự chọn. Nếu nhìn một cách tổng thể, thì dường như  môn Lịch sử đã được tách bóc ra một cách rời rạc. Và vai trò của môn Lịch sử không còn được rõ nét như hiện nay vì dường như Lịch sử vẫn là một môn tự chọn trong dự thảo này.
Một bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản. Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2,  Nhật bản đã có 5 lần cải cách chương trình giáo dục phổ thông, đặc biêt, với việc tích hợp môn Lịch sử trong môn Khoa học xã hội. Trong thời Minh Trị,  môn Lịch sử được dạy như một môn độc lập, tuy nhiên từ năm 1947, môn Lịch sử đã được gộp vào trong môn Khoa học xã hội và được dạy từ cấp tiểu học đến hết cấp trung học cơ sở. Sau nhiều lần cải cách, cuối cùng môn Lịch sử và Địa lý lại được tách ra thành hai môn độc lập được dạy ở cấp trung học phổ thông (từ năm 1989). Tuy nhiên, môn Lịch sử chỉ có phân môn Lịch sử thế giới là môn bắt buộc, còn phân môn Lịch sử Nhật Bản là môn tự chọn. Trong giai đoạn này, xã hội Nhật Bản đã vấp phải những vấn đề như sự xem nhẹ lịch sử dân tộc của giới trẻ (chỉ có khoảng 40% học sinh trung học phổ thông chọn môn này do môn này là môn tự chọn). Chính vì thế hiện nay, chính phủ Nhật đã có dự định đưa môn “Lịch sử Nhật Bản” trở thành môn bắt buộc trong cấp trung học phổ thông.

Có thể nói rằng việc tích hợp môn Lịch sử là một phần trong môn Khoa học xã hội đã được nhiều nước thực hành. Đó cũng là xu hướng chung của giáo dục thế giới. Xu hướng liên ngành, các môn học có sự liên quan đến nhau thì thường được gộp chung lại một nhóm để bổ sung và hỗi trợ cho nhau để người học tiếp thu dễ dàng hơn, thấy được ý nghĩa thực sự của môn học, giúp vận dụng môn học vào thực tiễn. Hơn nữa, việc tích hợp các môn cũng giúp người dạy có thể vận dụng đa dạng các phương pháp dạy học. Đó cũng là một phần giúp của người dạy tiến gần đến tự do học thuật.
Tuy vậy, nội dung tích hợp như thế nào để phù hợp với từng cấp học mới là điều đáng quan tâm, chứ nếu đổi mới mà chỉ là bề ngoài theo kiểu “bình mới rượu cũ” thì chắc chắn người học vẫn “lạnh nhạt” với môn Lịch sử. Và hơn cả là phương pháp dạy và học nội dung Lịch sử như thế nào để người học không cảm thấy hàn lâm và tẻ nhạt như việc ghi nhớ những dữ liệu ngày tháng, hay những con số giống như  chúng ta bắn rơi bao nhiêu chiếc máy bay, bao nhiêu quân địch bị bắt chết…Có lẽ chúng ta nên tập trung vào việc thay đổi phương pháp dạy và học nhiều hơn là tập trung vào sự thay đổi nội dung vì lịch sử vẫn là lịch sử.


Tăng Thị Thùy – NCS Giáo dục So sánh và Quốc tế