11/12/13

Những ẩn số đằng sau thành tích của PISA Việt Nam


Kết quả PISA 2012 vừa được công bố ngày 3 tháng 12 năm 2013, Việt Nam đã “gây bất ngờ cho cả thế giới” với thành tích vượt cả những cây cổ thụ có nền giáo dục vượt bậc như Anh, Mỹ, Úc…Điều này làm cho nhiều nhà quản lý giáo dục vui mừng tự hào vì kết quả “vượt bậc”. Thế nhưng có ai đặt câu hỏi: đằng sau kết quả thành tích điểm số PISA đó thì thực chất sản phẩm giáo dục của chúng ta như thế nào?

Động cơ học tập: chưa xuất phát từ bản thân
Trong cuộc khảo sát năm 2012, PISA tập trung vào toán học vì thế phiếu khảo sát dành cho học sinh cũng xoay quanh những câu hỏi liên quan đến toán học. Một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ đến thành tích toán học của học sinh là động cơ học tập bao gồm động cơ bên trong (intrinsic motivation) và động cơ thực dụng (intrinsic motivation) đã OECD phân tích rất rõ trong báo cáo sơ bộ. Động cơ bên trong bao gồm những câu hỏi liên quan đến sự yêu mến, thích thú dành môn học. Đông cơ thực dụng bao gồm những câu hỏi liên quan đến giá trị của môn học cho công việc, nghề nghiệp tương lai.
Theo báo cáo, có hơn 70% học sinh Indonesia, Malaysia, Kazakhstan, Thái Lan và Albania cảm thích thú với toán học; và hơn 80% học sinh  Albania, Thailand, Colombia, Peru, Mexico, Kazakhstan, Jordan và Malaysia cảm thấy thú vị với những gì họ học được trong toán học.  Trong khi đó những nước này lại có thành tích toán học thấp dưới mức trung bình của OECD, đặc biệt Indonesia đứng ở áp chót bảng xếp hạng nhưng học sinh Indonesia lại vô cùng vui vẻ, thích thú với toán học.
Kết quả phân tích SPSS theo dữ liệu công bố của OECD: có 76,1% học sinh cảm thấy thích đọc về toán học; 57,6% học sinh mong chờ những tiết chọ toán; 67,6% học sinh làm toán bởi vì yêu thích toán; và 80,1% học sinh thấy thú vị với những gì học được trong môn toán (xem bảng 1). Theo báo cáo của OECD thì  giới tình và kinh tế- xã hội có ảnh thưởng rất nhiều đến động cơ bên trong của học sinh Việt Nam nhưng động cơ bên trong này có mối quan hệ không cao với việc học toán và  thành tích toán học của sinh viên Việt Nam. Mối quan hệ giữa động cơ bên trong với thành tích học tập của học sinh Việt Nam chỉ trong khoảng trung bình của OECD. Các nước có mối quan hệ này cao như Hàn Quốc, Đài Loan, Na Uy, Ba Lan,  Nhật Bản và Thượng Hải – Trung Quốc.
Đông cơ thực dụng của học sinh Việt Nam rất đáng chú ý khi tỷ lệ khá cao: có 94,3% học sinh cố gắng học toán vì toán sẽ giúp cho công việc về sau; 88,2% học sinh học toán vì toán sẽ cải thiện nghề nghiệp của họ sau này; 87,9% học sinh thấy toán học quan trong cho việc học về sau; 86,5% học sinh cho rằng những thứ học được trong toán học sẽ giúp ích cho công việc (xem bảng 1). Tỷ lệ này của Việt Nam là cao so với trung bình của OECD vì theo báo cáo của OECD thì không có yếu tố nào trong các yếu tố trên vượt mức 80%. Cũng theo báo cáo này, những yếu tố về giới tính và kinh tế-xã hội cũng có ảnh hưởng lớn đến động cơ thực dụng của học sinh Việt Nam. Phân tích về sự ảnh hưởng của động cơ thực dụng với việc học toán và thành tích toán học thì Việt Nam xếp cao hơn trung bình của OECD và nằm trong tốp 20 nước/vùng kinh tế có mối quan hệ ảnh hưởng giữa động cơ thực dụng với thành tích toán học của học sinh.
Bảng 1. Tỷ lệ % động cơ bên trong và động cơ thực dụng của học sinh Việt Nam trong PISA 2012

Rất đồng ý
(%)
Đồng ý
(%)
Không đồng ý  (%)
Rất không đồng ý  (%)
Tổng số
(%)
Missing (số học sinh)
Động cơ bên trong
Thích đọc về toán học
14,8
61,3
22,6
1,3
100
1699
Mong đợi những tiết toán học
7,4
50,2
39,3
2,5
100
1696
Thích học toán vì thích toán
14,0
53,6
38,0
1,6
100
1697
Thích thú với những gì học được trong toán học
17,2
62,9
19,0
0,9
100
1711
Động cơ thực dụng
Cố gắng học toán vì nó giúp ích cho công việc sau này
39,2
55,4
4,7
0,6
100
1694
Học toán là có giá trị giúp cải thiện cơ hội triển vọng nghề nghiệp
30,5
57,7
10,9
0,8
100
1700
Toán học quan trọng cho tương lai
29,1
58,8
11,1
0,9
100
1694
Những cái học được từ toán học sẽ giúp cho công việc
26,7
59,8
12,6
0,9
100
1694
 *Mẫu khảo sát: 4959 học sinh
** Số liệu trên không bao gồm số phiếu missing (số phiếu không trả lời và số phiếu không hợp)
Học sinh có động cơ học tập là rất tốt nhưng khi động cơ thực dụng lớn hơn động cơ bên trong thì là một điều nguy hiểm. Vì động cơ thực dụng là thể hiện sự mong muốn phải đạt được cái gì đó, và để đạt được cái mong muốn đó thì có thể dùng đủ các biện pháp bất chất hậu quả của nó. Điều này nhận thấy rất rõ trong giáo dục hiện nay như: học thêm, chạy điểm, coi cóp…để đạt được điểm số cao, trò giỏi, thầy giỏi, trường giỏi,…Chính vì thế “bệnh thành tích” trong giáo dục hiện nay vẫn là “căn bệnh nan y”!
Sự tự tin vào khả năng của bản thân: Giỏi lý thuyết, yếu thực hành

PISA 2012 để cho học sinh tự nhận xét về sự tự tin đối với một loạt các nhiệm vụ thuần túy và ứng dụng toán học liên quan đến đại số, chẳng hạn như sử dụng một bảng giờ tàu để tính được thời gian từ nơi này đến nơi khác; tính xem một chiếc ti vi giá bao nhiêu sau khi giảm đã giá 30%; tính bao nhiêu mét vuông gạch cần thiết để lát một sàn nhà; tính mức tiêu thụ xăng của một chiếc xe, đọc hiểu biểu đồ trong một tờ báo; tìm kiếm các khoảng cách thực tế giữa hai địa điểm trên bản đồ với quy mô 1: 1000;  giải phương trình như 3x + 5 = 17 và 2 (x +3) = (x +3) (x-3). Học sinh trả lời các câu hỏi về việc liệu họ cảm thấy rất tự tin, tự tin, không tự tin  và  rất không tự tin được sử dụng để xác định mức độ tự tin  vào khả năng toán học của học sinh.  
Kết quả phân tích SPSS của PISA Việt Nam cho thấy: 



            Bảng 2. Tỷ lệ % sự tự tin vào khả năng toán học của học sinh Việt Nam trong PISA 2012

Rất
tự tin
(%)
Tự tin
(%)
Không tự tin (%)
Rất không tự tin (%)
Tổng số
(%)
Missing (số học sinh)
Sử dụng bản giời tàu để thời gian giờ tàu tàu chạy
10,4
45,1
41,6
2,9
100
1698
Tính giá một chiếc ti vi sau khi giảm giá 30%
29,3
53,4
16,3
1,0
100
1673
Tính bao nhiêu mét vuông gạch cần thiết để lát 1 sàn nhà
32,3
53,3
13,7
0,7
100
1699
Đọc hiểu những biểu đồ trên báo
10,7
44,0
43,4
1,9
100
1673
Giải phương trình như: 3x+5=17
53,3
36,3
9,5
0,9
100
1694
Tính khoảng cách thực tế giữa hai nơi với lỷ lệ 1:10.000
12,5
34,0
50,0
3,5
100
1673
Giải phương trình như:
2(x+3)= (x+3) (x-3)
37,3
40,9
20,3
1,6
100
1696
Tính mức tiêu thụ dầu của một chiếc xe
6,3
35,6
52,3
5,9
100
1696
*Mẫu khảo sát: 4959 học sinh
** Số liệu trên không bao gồm số phiếu missing (số phiếu không trả lời và số phiếu không hợp)

Từ bảng dữ liệu trên ta thấy học tỷ lệ sinh Việt Nam không tự tin vào khả năng toán học của mình ở mức cao. Trong 8 câu hỏi đưa ra bao gồm cả những câu hỏi liên quan đến kiến thức lý thuyết và khả năng thực hành toán học. Có thể thấy rằng học tỷ lệ học sinh Việt Nam tự tin vào kiến thức lý thuyết cao hơn khả năng thực hành. Chẳng hạn, với câu hỏi liên quan đến giải phương trình, tình mét vuông thì sự tự tin của học sinh rất cao nhưng với các câu hỏi như tính mức tiêu thụ dầu, tính thời gian tàu chạy, đọc hiểu biểu đồ trên báo thì học sinh lại mất tự tin. Trong khi đó theo báo cáo của OECD thì tỷ lệ học sinh được khảo sát rất tự tin vào khả năng tính thời gian giờ tàu chạy, đọc biểu đồ trên báo là rất cao so với những cái còn lại.  Cũng theo báo cáo Việt Nam là nước đứng thứ nhất thể hiện mối quan hệ ảnh hưởng của sự thiếu tự tin vào khả năng toán học học của học sinh với thành tích toán học. Tức là, học sinh đạt kết quả thấp thong bài kiếm tra ở những câu mang tính thực hành. Như vậy câu hỏi đặt ra cho giáo dục của chúng ta là tại sao học sinh Việt Nam vẫn chỉ giỏi lý thuyết và yếu thực hành? Đó chính là vấn đề mà ngành giáo dục phải quan tâm và phải có giải pháp để có thể cải thiện được thực trạng hiện nay.

Sự lo lắng của học sinh: Điểm số

Đã có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng hiện nay học sinh rất lo lắng về thành tích học tập ở trường, cũng như là lo lắng về các kỳ thi, kỳ kiểm tra. PISA 2012 đã hỏi sinh đưa ra ý kiến của mình là đồng ý hoặc rất đồng ý nếu các em cảm thấy thường lo lắng về toán học sẽ khó đối với các em, thường rất căng thẳng khi các em phải làm bài tập toán về nhà; rất lo lắng làm các vấn đề về toán học; các em cảm thấy bất lực khi làm một vấn đề toán học, và các em lo lắng là sẽ bị điểm kém môn toán. Từ đó OECD sẽ xác định được chỉ số về sự lo lắng của học sinh đối với toán học. Nhìn vào bảng 3, ta thấy tỷ lệ lo lắng của học sinh Việt Nam đối với toán học là khá cao. Tỷ lệ cao nhất là học sinh lo lắng toán học sẽ khó hơn chiếm 72,4% trong khi đó trung bình của OECD chỉ gần 60%,  đứng thứ hai là tỷ lệ học sinh lo lắng bị điểm kém môn toán chiếm 71,4%  trong khi tỷ lệ trung bình của OECD chỉ hơn 60%.  Theo phân tích của OECD thì yếu tố lo lắng đối với toán học ảnh hưởng đến học thành tích toán học của học sinh, đặc biệt điều này thể hiện rõ nét hơn ở hai nhóm học sinh đạt kết quả cao và học sinh có kết quả thấp. Những học sinh có kết quả cao thì sự lo lắng này càng cao.
Bảng 3. Tỷ lệ  % sự lo lắng đối với toán học của học sinh Việt Nam trong PISA 2012

Rất đồng ý
(%)
Đồng ý
(%)
Không đồng ý  (%)
Rất không đồng ý  (%)
Tổng số
(%)
Missing (số học sinh)
Lo lắng môn toán sẽ khó
11,9
60,5
25,0
2,6
100
1664
Cảm thấy căng thẳng với toán học
4,0
21,4
50,7
10,0
100
1699
Cảm thấy lo lắng về môn toán
5,0
38,5
47,9
8,6
100
1671
Cảm thấy bất lực với toán học
3,7
53,2
52,9
8,2
100
1669
Lo lắng bị điểm kém
18,9
52,5
22,3
6,2
100
1670
*Mẫu khảo sát: 4959 học sinh
** Số liệu trên không bao gồm số phiếu missing (số phiếu không trả lời và số phiếu không hợp)

Qua khảo sát PISA 2012 cho thấy rằng học sinh Việt Nam vẫn quan trọng điểm số vì các em lo lắng bị điểm kém.  Trên thực tế hiện nay, không chỉ có học sinh mà còn phụ huynh mong muốn con em mình có thành tích cao nên ép con em mình học quá mức gây ra nhiều hậu quả như stress, trầm cảm…thậm chí có nhiều trường hợp các em tự tử vì không đạt thành tích như mong muốn. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây cho ngành giáo dục của chúng là gì? Liệu có tiếp tục để những thế hệ tiếp theo tiếp tục lo lắng về điểm số nữa không?  

Vấn đề cần giải quyết?

Lần đầu tiên Việt Nam tham gia PISA, đứng thứ 17 về toán học, 18 về đọc hiểu và thứ 8 về khoa học là một điều không thể phủ nhận  bởi đây là kết quả cố gắng của 4959 em học sinh, giáo viên, và những người làm quản lý giáo dục. Tuy nhiên chúng ta được chủ quan “yên tâm về giáo dục phổ thông”, vì đứng thứ hạng cao không có nghĩa là có nền giáo dục tốt. Tham gia PISA không phải là để biết được giáo dục của ta đang đứng ở vị trí nào trên thế giới mà tham gia PISA để thấy được giáo dục của ta đang đang “mắc bệnh” gì để kịp thời có biện pháp chữa trị. Đó mới là ý nghĩa thực sự khi Việt Nam tham gia PISA.

 Tăng Thị Thùy - NCS Khoa Giáo dục So sánh và Quốc tế, ĐH Chi Nan, Đài Loan


Tài liệu tham khảo

OECD (2013), PISA 2012 Results: Ready to Learn – Students’ Engagement, Drive and Self-Beliefs (Volume III),
PISA, OECD Publishing.

OECD, PISA 2012 Database: http://pisa2012.acer.edu.au/