22/4/11

XU HƯỚNG TOÀN CẦU HOÁ VÀ NHỮNG CƠ HỘI, THÁCH THỨC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

ĐỖ THỊ XUÂN DUNG
(Đăng tải ở Tạp chí Kỉ niệm 50 năm ĐH Huế)
Bài viết nhằm đề cập xu hướng “toàn cầu hoá” (TCH) và những cơ hội, thách thức của TCH đối với công tác giáo dục đại học. Trên cơ sở tóm tắt những nội dung chính trong hai chương 8 và 9 của quyển sách “The Globalization of Higher Education” do tác giả Peter Scott (1998) chủ biên và hiệu đính, cùng với việc thảo luận quanh một số quan điểm của một vài tác giả khác về chủ đề này, tác giả bài viết mong muốn phản ánh một phần thực trạng công tác giáo dục đại học trong bối cảnh TCH, cùng những cơ hội và thách thức mà xu hướng TCH mang lại cho công tác giáo dục đại học, cụ thể là ảnh hưởng đến vai trò, nhiệm vụ và chiến lược của một trường đại học. Những thảo luận trong bài viết này dựa trên cơ sở tổng hợp tài liệu, quan sát và phân tích tình huống, nêu nhận định và bàn luận. Qua đó, bài viết nêu bật những cơ hội và thách thức mà các cơ sở giáo dục đại học đang đối mặt; và sự chuẩn bị của một trường đại học để đón nhận và giải quyết những vấn đề trên một cách hợp lý và hiệu quả ĐẶT VẤN ĐỀ Xu hướng toàn cầu hoá (TCH) (Globalisation) đã và đang được đề cập một cách sâu rộng trong mọi mặt của đời sống xã hội của nhiều nước trên toàn thế giới. TCH trở thành một hiện tượng, một mối quan tâm lớn, tạo ra nhiều ảnh hưởng lớn trên mọi phương diện cuộc sống của con người trong thế kỷ 21. Không nằm ngoài những mối quan tâm đó, giáo dục- đặc biệt là giáo dục đại học - cũng có những ảnh hưởng nhất định từ xu hướng TCH. Những cơ hội và thách thức mà TCH tạo ra cho giáo dục đại học đã đặt ra cho những nhà quản lý giáo dục các câu hỏi lớn: Đó là: Làm thế nào để tận dụng tối đa các cơ hội mà TCH mang lại cho giáo dục đại học?; đồng thời bằng cách nào để đi trước, đón đầu chuẩn bị điều kiện tối ưu để đối mặt với những thách thức của TCH? Trong quyển sách “Toàn cầu hoá trong giáo dục đại học” do Peter Scott (1998) chủ biên và hiệu đính, chương 8 và 9 đề cập các khía cạnh liên quan đến cơ hội và thách thức của TCH đối với giáo dục đại học. Trên cơ sở phản ánh và phân tích các phạm trù trên, đồng thời bàn luận những quan điểm của một số tác giả khác chung quanh cùng một chủ đề, đề xuất về những thay đổi cần có trong cơ chế giáo dục đại học hiện nay sẽ được giới thiệu và bàn bạc giải quyết. II. NỘI DUNG
1.1. “Toàn cầu hoá” và những ảnh hưởng của nó đến các mặt của đời sống xã hội
Trước hết, hãy cùng định nghĩa thế nào là “toàn cầu hoá”. Xét theo quan điểm lịch sử, từ khi khái niệm này ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, là do những nhu cầu trao đổi thông thương trong kinh tế, nên nhiều người cho rằng toàn cầu hoá chính là do những quan hệ trao đổi kinh tế giữa các quốc gia tạo nên. Tuy nhiên, toàn cầu hoá không dừng lại ở nghĩa hẹp như thế. Từ điển Wikipedia tiếng Việt (truy cập ngày 12/ 02/ 2006) đưa ra định nghĩa rằng “TCH là khái niệm dùng để miêu tả các thay đổi trong xã hội và trong kinh tế, tạo ra bởi mối kiên kết và trao đổi ngày càng tăng giữa các tổ chức hay các cá nhân ở góc độ văn hoá, kinh tế, v.v. trên quy mô toàn cầu”. Tác động của TCH, vì thế, cũng rộng khắp trên các khía cạnh kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội và ngôn ngữ … Thomas Friedman là một nhà báo, nhà bình luận có nhiều trải nghiệm thực tiễn và cũng là người đưa ra những mẩu chuyện thực tế sinh động để định nghĩa về toàn cầu hoá. Tuy những thảo luận của ông hơi thiên về kinh tế toàn cầu hơn là những lĩnh vực khác, nhưng ít nhất thì cái nhìn toàn diện của Friedman cũng giúp chúng ta hiểu một cách cụ thể và sâu sắc hơn về toàn cầu hoá. Theo Friedman (2005), TCH là một quá trình phát triển năng động, là sự hội nhập không thể đảo ngược giữa những thị trường, quốc gia và công nghệ- theo phương cách tạo điều kiện cho các cá nhân, tập đoàn công ty và nhà nước vươn quan hệ đến nhiều nơi trên thế giới xa hơn, sâu hơn với chi phí thấp hơn
Định nghĩa về TCH một cách rộng hơn, Scott (1998) còn nhấn mạnh vào những tác động của thay đổi về môi trường toàn cầu, các đe doạ và xung đột về chính trị và xã hội giữa các quốc gia, sự phát triển của văn hoá ngoại lai và pha trộn với văn hoá bản địa… Thông qua những cách định nghĩa trên, chúng ta có thể hình dung được phần nào khái niệm TCH. Toàn cầu hoá là một hiện tượng mà sự xuất hiện và lớn mạnh của nó đã dần xoá đi khoảng cách giữa các quốc gia và làm mờ đi ranh giới truyền thống giữa chính trị, văn hoá, công nghệ, tài chính, an ninh quốc gia và hệ sinh thái… ngay chính trong mỗi một quốc gia. (Friedman, 2005). Rõ ràng toàn cầu hoá đã và đang có những ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội. Friedman còn cho rằng chúng ta không thể bàn bạc, giải thích về một khía cạnh của TCH mà không đề cập đến các khía cạnh khác, hoặc không thể có được cái nhìn toàn cục nếu không xem xét hết tất cả mọi mặt. Xét cụ thể về giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học- bậc học có những ảnh hưởng nhất định bởi toàn cầu hoá và những hệ quả của nó, TCH không chỉ tạo ra những cơ hội cho giáo dục đại học vươn lên một tầm cao mới với một vị thế mới, mà còn đặt ra những thách thức lớn cho những nhà quản lý giáo dục phải đầu tư suy nghĩ để có những định hướng chiến lược cho cơ sở đào tạo của mình. Những thách thức này không hẳn là trở lực, mà chúng chính là động lực thúc đẩy phát triển nếu các nhà quản lý giáo dục có một tầm nhìn chiến luợc, biết đón đầu, tận dụng cơ hội và song hành cùng nó. Những cơ hội mà TCH mang lại cho giáo dục đại học trên toàn thế giới
2. Những thay đổi có lợi cho các cơ sở đào tạo đại học
2.1. Thay đổi về lượng
Sadlak (1998) cho rằng quy mô toàn cầu đã làm mở rộng các cơ sở đào tạo đại học và gia tăng số lượng sinh viên vào đại học hằng năm. Con số thống kê về số lượng sinh viên tại các cơ sở đào tạo Đại học trên thế giới tăng hơn 60% trong khoảng 15 năm (1980-1995) đã chứng tỏ rằng việc gia tăng về số lượng sinh viên học đại học là một bằng chứng rõ rệt của toàn cầu hoá. Ở đây, chúng ta không thể phủ nhận mối quan hệ hữu cơ giữa sự phát triển kinh tế của các quốc gia và số lượng người học đại học của quốc gia đó. Nền kinh tế phát triển kéo theo việc xuất hiện các ngành nghề mới và nhu cầu về nguồn nhân lực mới có tri thức và kỹ năng, tay nghề thành thạo. Ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, việc tham gia học đại học trở nên vô cùng cần thiết, nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu đào tạo nhiều ngành nghề phục vụ xã hội. Trái lại, ở một số quốc gia nghèo đói trên thế giới nơi mà nền kinh tế còn kém phát triển, mối quan tâm hàng đầu của người dân không phải là cho con cái học hết đại học hoặc trên đại học. Sadlak (1998) còn cho rằng giáo dục đại học giờ đây cũng có sự biến chuyển mới có tính hệ thống, với biểu hiện là những trường đại học trước đây chỉ dành cho người giàu sang, có quyền thế, mang vị trí độc tôn (Élite system) thì nay trở thành “đại trà”, “công chúng” (mass system) hơn.
Scott (1998) sử dụng thuật ngữ “Mass Higher Education” (có nghĩa là “giáo dục đại học đại trà”) để chỉ sự chuyển dịch từ những cơ sở đào tạo đại học “quý tộc”, chỉ dành cho người quyền thế, giàu sang… sang những cơ sở đào tạo mang tính đại trà, dành cho nhiều tầng lớp trong xã hội. Ở nước ta trong 10 năm trở lại đây, hiện tượng xuất hiện nhiều trường đại học mới, nhiều hình thức đào tạo và ngành đào tạo mới cũng như chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi ngành tăng vọt … đã minh chứng điều này. Nếu việc thi vào đại học của học sinh 10 năm về trước là nỗi lo lắng, căng thẳng vì có ít cơ hội do có ít trường, ít ngành, ít chỉ tiêu… thì đến bây giờ sinh viên có thể dễ dàng chọn nhiều trường để dự thi, đăng ký nhiều nguyện vọng để được xét tuyển và kể cả việc vào học trường dân lập, nếu không đỗ vào công lập. Từ đó có thể nhận định rằng tính phổ cập, phổ quát hoá tuy không được khuyến khích áp dụng vào môi trường đào tạo đại học, nhưng trong bối cảnh nhu cầu được học đại học ngày càng cao của một đất nước có hơn 80 triệu người dân, chiến lược mở rộng quy mô tuyển sinh để ngày càng có nhiều thanh niên được đào tạo, trang bị tri thức và kỹ năng làm việc trong các lĩnh vực khác nhau thông qua con đường giáo dục đại học là cần thiết và không thể né tránh. Việc đưa ra khái niệm ‘Giáo dục Đại học đại trà’ (Mass Higher Education) của Scott (1998) vì thế có ý nghĩa hết sức thiết thực nhằm đáp ứng các nhu cầu tất yếu của xã hội phát triển.
Tóm lại, TCH với những biến chuyển về hiệu quả kinh tế của mỗi nước đã đưa nhiều người đến với giáo dục đại học hơn, đơn giản chỉ vì nền kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế tri thức đã giúp cải thiện đói nghèo và lạc hậu. Nhiều cơ sở đào tạo ĐH trên thế giới đã có những chính sách thu hút càng ngày càng nhiều sinh viên vào học, và nhiều đối tượng thuộc các tầng lớp khác nhau trong xã hội đã được tạo điều kiện để được học đại học. Nếu chỉ cho rằng toàn cầu hoá làm thay đổi diện mạo của đào tạo đại học thông qua các con số thống kê số lượng sinh viên nhập học tăng lên, thì có lẽ chưa đủ thuyết phục. Sự thay đổi về chất trong giáo dục đại học đã nâng vai trò, vị trí của toàn cầu hóa đối với giáo dục đại học lên một tầm cao mới. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên toàn cầu đã mang đến cho nhân loại một món quà vô giá, đó là công nghệ thông tin và giao tiếp, mà cơ bản nhất là Internet, một hình thức giao tiếp hiệu quả với chi phí thấp nhất (Sadlak, 1998; Friedman, 2005). Internet không còn là phương tiện sở hữu trí tuệ của riêng một con người cụ thể nào mà bất cứ ai cũng có thể tận dụng nó để học hỏi và giao tiếp. Sinh viên ngày nay ở các cơ sở đào tạo ĐH hiện đại trên thế giới tiếp thu tri thức, thông tin cũng như làm bài tập, giao tiếp với bạn bè, học nhóm, trao đổi thông tin… thông qua con đường Internet. Sadlak đề cập khái niệm “Trường Đại học ảo” (Virtual University) trên mạng nhằm nói đến các loại hình đào tạo từ xa hiện nay mà sinh viên nhiều nước rất quan tâm. Chỉ với một máy tính nối mạng, sinh viên đăng ký học MBA (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) tại một trường học ở Hoa kỳ, chẳng hạn, có thể ngồi tại nhà ở Việt nam và trao đổi bài vở với giáo sư ở Mỹ hoặc với bạn bè ở các nước khác. Họ thảo luận, đọc bài, làm bài và gửi bài lên mạng cho giáo viên chấm, nhận kết quả… và cuối cùng là nhận bằng đại học của nước ngoài mà không cần phải đặt chân đến nước đó, tất cả đều thông qua con đường Internet. Toàn cầu hoá với sự ra đời của phong cách giao tiếp toàn cầu qua Internet đã mang đến cho nhiều sinh viên cơ hội học tập, tìm kiếm thông tin, làm quen bạn bè, giao tiếp có lợi và có nhiều sự lựa chọn cho việc học đại học của mình hơn. Việc học hỏi thông qua Internet không những tiết kiệm cho người học nhiều thời gian, kinh phí đi lại, ăn ở, kinh phí mua sách… mà nó còn góp phần nâng cao chất lượng của việc học, đặc biệt là việc tự học; do các thông tin trên internet vừa đa dạng, phong phú, vừa được cập nhật đến từng giờ, từng phút. Chính điều này đã giúp cho những “trí thức tương lai thế hệ @” nâng cao chất lượng chuyên môn của mình mà những thế hệ trước họ chưa chắc đã có điều kiện như họ. Mặc dầu kiểu học truyền thống không được khuyến khích bãi bỏ, nhưng nếu tồn tại đồng thời một sự kết hợp giữa phong cách truyền thống ở giảng đường và phong cách hiện đại_ thể hiện qua việc các môn học được dạy và thuyết trình, xê-mi-na qua mạng, sinh viên chủ động tìm kiếm thông tin trên mạng_ thì các cơ sở đào tạo đã có thể tận dụng được nhiều cơ hội mà toàn cầu hoá đã mang lại cho họ. TCH rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi mà đối tượng thừa hưởng không chỉ là những người làm kinh tế. Giáo dục đại học hơn bao giờ hết cần có những tận dụng triệt để các tiềm năng và kết quả của công cuộc đổi mới, cuộc cách mạng về KHCN để phát triển trong điều kiện ít tốn kém ngân sách quốc gia nhất.
2.2. Sinh viên du học nuớc ngoài
Trong sự cạnh tranh của nền kinh tế toàn cầu, chúng ta thấy xuất hiện một trào lưu mới đang rất thịnh hành trên thế giới, mà đặc biệt là ở các nước châu Á; đó là “du học”. Sadlak (1998) nhận định rằng trong thập kỷ trước, chỉ có một số nước thu hút nhiều lượng sinh viên quốc tế đến học đại học mà đứng đầu là Hoa Kỳ (hơn 30% của toàn bộ sinh viên quốc tế đến các nước), Pháp (11%), Đức, Anh (10%), Liên bang Nga, Nhật bản…; thì nay các nước châu Á đang dần vươn lên chiếm một số vị trí cao trong việc thu hút lưu học sinh nước ngoài. Một lần nữa, điều này khẳng định mối quan hệ tương hỗ giữa sự lớn mạnh về kinh tế và sức mạnh về giáo dục và khoa học. Tuy nhiên, không chỉ các nước nói trên mà ngày nay rất nhiều quốc gia khác đã gia tăng chính sách thu nhận sinh viên quốc tế. Ở nhiều nước trên thế giới, sinh viên quốc tế đông đến mức có thể thành lập cả một “cộng đồng sinh viên quốc tế” (Hoa kỳ, Anh, Pháp, Úc, Nga, Nhật …). Có thể nhận định rằng TCH với bản chất đã đề cập ở trên là ‘xoá mờ ranh giới và sự phân biệt giữa các quốc gia’ đã thực sự tạo cơ hội cho nhiều thanh niên có điều kiện tiếp cận với nhiều nền giáo dục hiện đại có chất lượng trên thế giới. Đây là một trong những cơ hội lớn mà thế hệ công dân @ được thừa hưởng. Kinh tế phát triển cũng chính là điều kiện để các bậc cha mẹ có thể đáp ứng cho con cái mình được du học, với hy vọng chúng sẽ được tiếp thu những tinh hoa từ các nền giáo dục tiên tiến. Điều này không có nghĩa là các cơ sở đào tạo đại học trong nước không thể đáp ứng nhu cầu đào tạo đại học. Nhưng một khi đã có sự cạnh tranh về kinh tế trong xu hướng hội nhập chung, cạnh tranh sẽ cũng sẽ tương tự xảy ra đối với giáo dục đại học. Nếu các cơ sở đào tạo trong nước không đủ sức cạnh tranh với các trường đại học ở nước ngoài, việc du học của sinh viên trở thành điều hiển nhiên và tất yếu khi gia đình họ có thể cung cấp tiền ăn ở, sinh hoạt phí cao hơn nhiều lần so với trong nước, bù lại con cái của họ được tiếp cận nền giáo dục hiện đại, được phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo trong môi trường học tập và giao tiếp hiện đại. Sadlak (1998) nêu một số ích lợi của sinh viên khi du học ra nước ngoài như: Tiếp thu nhiều kiến thức, kỹ năng mới, Trau dồi vốn ngoại ngữ, và khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ để giao tiếp và học tập. Làm quen với phong cách dạy học hiện đại và phương tiện hỗ trợ học tập hiện đại, Cơ hội mua sắm sách vở, phần mềm tiện ích…Thiết lập mối quan hệ giao tiếp rộng lớn, phát triển mối liên kết về chuyên môn, nghề nghiệp Làm quen với trường mới, môi trường học tập và sinh hoạt mới..< Phát triển tính độc lập và tự tin… Ngoài những ích lợi kể trên, có thể thấy tầm nhìn và kiến thức về văn hoá của mỗi một sinh viên sau khi du học nước ngoài trở về đã đổi khác rất nhiều. Khi đi xa, họ nhìn nhận, tâm đắc, phân tích, áp dụng… để rồi khi trở về quê nhà, những trí thức trẻ với lòng nhiệt huyết sẽ có những hành động mang tính chiến lược để cải thiện cuộc sống của người dân ở quê hương. Để đáp ứng nhu cầu trao đổi lưu học sinh quốc tế, các nước phát triển còn nghĩ cách nhắm đến đối tượng sinh viên ở các nước đang phát triển bằng cách thiết lập các lọai hình đào tạo tại chỗ (on-site), đan xen (sandwich), từ xa (distance)…. Các trường Đại học danh tiếng ở Úc hiện đang có các cơ sở đào tạo tại nước ngoài (offshore) như Việt nam, Trung quốc … Họ gửi chuyên gia giảng viên sang Việt nam, Trung quốc trực tiếp giảng dạy ; sinh viên có thể chọn học tại chỗ hoặc đi về giữa hai nước ; được giao cho mã số để truy cập thư viện dữ liệu của Trường… và bằng cấp quốc tế được công nhận tương đương như khi du học ở nước ngoài. Không ai có thể phủ nhận cơ hội mà TCH đã mang lại cho thế hệ trẻ ở Việt nam trong 20 năm trở lại đây. Việc hiện nay một phần lớn các giảng viên và nhà nghiên cứu ở các trường đại học trên cả nước có bằng cấp được đào tạo ở các nước tiên tiến chính là hệ quả của sự phát triển kinh tế của Việt nam có sự trợ giúp của các nước bạn trong các chương trình liên kết, hợp tác, học bổng hỗ trợ, phát triển … hay do chính bản thân họ tự tìm cho mình một cơ hội học tập ở nước ngoài bằng con đường du học tự phí.
2.3. Cơ hội giao lưu và hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH)
Scott (1998) cho rằng trong bối cảnh TCH và quốc tế hoá (QTH), xu hướng trao đổi chuyên môn giữa các trường đại học trên thế giới ngày càng được chú trọng và phát triển. Không phải nói ở đâu xa, điều này có thể được chứng minh rõ rệt ngay ở Việt nam. Một khi đã có nhu cầu trao đổi sinh viên như đã nói ở trên, tất yếu sẽ có nhu cầu trao đổi giáo viên. Hình thức trao đổi cũng có thể rất đa dạng. Các trường ĐH trên thế giới có thể mời giáo sư của nhau sang cơ sở mình để giảng dạy, nghiên cứu, hoặc phối hợp giảng dạy và nghiên cứu, chủ trì hội thảo, hội nghị, bồi dưỡng chuyên môn… quy mô từ ngắn hạn đến dài hạn; đôi khi chỉ là thỉnh giảng cho một khoá học hoặc môn học, hoặc báo cáo chuyên đề. Việc trao đổi chuyên môn giữa các trường ĐH như thế trong những năm gần đây diễn ra thường xuyên ở Việt nam. Cũng từ các ý tưởng này, công tác ký kết hợp đồng, ghi nhớ… hợp tác đào tạo, NCKH, chuyển giao công nghệ đã phát huy được nhiều tác dụng cụ thể trong việc tận dụng các chuyên môn sâu và KHCN tiên tiến của nước ngoài. Ở Việt nam hiện nay, với chủ trương giao lưu hợp tác quốc tế mà Chính phủ và các Bộ Ngành cho phép, nhiều loại hình hợp tác quốc tế trong đào tạo và NCKH đang diễn ra nhộn nhịp ở các trường đại học trong cả nước. Đơn cử trường hợp của Trường Đại học Ngoại ngữ Huế, chỉ trong 2 năm đầu thành lập, đã có không dưới 15 văn bản ký kết, ghi nhớ, thoả thuận… với các trường Đại học ở Hoa kỳ, Úc, Niu-Di- Lân, Pháp, Thái lan, Trung quốc để hợp tác, triển khai liên kết đào tạo trên nhiều lĩnh vực từ trao đổi lưu học sinh, đến trao đổi giáo viên, tực tập ngắn hạn, đào tạo từ xa, phối hợp nghiên cứu, báo cáo chuyên đề, hỗ trợ tổ chức Hội nghị hội thảo… Không dừng lại ở việc ký kết mang tính chất ngoại giao, các nội dung hợp tác trên đã được triển khai nhanh chóng vào thực tế, đã mang nhiều lợi ích chuyên môn và cả lợi ích kinh tế về cho Trường ĐH Ngoại ngữ Huế nói riêng và Đại học Huế nói chung. Không chỉ dừng lại ở việc trao đổi sinh viên, giáo viên, các trường ĐH trên thế giới còn trao đổi “ý tưởng” (Scott, 1998), hoặc thậm chí còn “xuất khẩu ý tưởng”. Có thể dễ dàng nhận thấy ở nước ta hiện nay các dự án có sự phối hợp liên kết của nhiều ngành, các phần mềm, các công nghệ mới và vật liệu mới … là kết quả nghiên cứu của các trường đại học… đã được Nhà nước và các Bộ Ngành liên quan kêu gọi sẻ chia kinh nghiệm giữa các đơn vị, hay gợi ý liên kết sản xuất, thực thi dự án… để tạo ra những sản phẩm có lợi về kinh tế. Các ý tưởng độc đáo mà chủ nhân của chúng thường được tôn vinh trong các chương trình ‘Người đương thời’, ‘Hiệp sĩ CNTT’ … đã được khuyến khích không những áp dụng tại địa phương phục vụ người dân mà còn “xuất khẩu” sang các nước bạn. Đấy chính là những kết quả có lợi mà TCH đã mang lại cho các trường ĐH trên thế giới khi xích họ lại gần nhau hơn thông qua con đường liên kết khoa học và đào tạo. Như vậy, có thể thấy rằng TCH đã tạo nhiều cơ hội thuận lợi để công tác giáo dục đại học phát huy không những về chất, về lượng mà còn giúp những chủ thể của những cơ sở đào tạo đại học (giảng viên, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, sinh viên…) nâng cao năng lực chuyên môn của mình qua con đường trao đổi chuyên môn với bạn bè từ các nước tiên tiến. Cơ hội này đã góp phần nâng đáng kể chất lượng đào tạo tại các trường đại học ở nước ta và một số nước khác trong khu vực và trên thế giới trong hai thập kỷ gần đây.
3. Những thách thức mà các cơ sở đào tạo đại học phải đối mặt khi giao lưu hợp tác và hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hoá; và những chuẩn bị, thay đổi cần thiết để đáp ứng nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực trong tình hình mới
3.1. Cạnh tranh trong việc thu hút sinh viên
Như đã thảo luận ở phần trước, nếu các cơ sở đào tạo trong nước không đủ sức cạnh tranh với các trường Đại học ở nước ngoài trong việc thu hút tuyển sinh; hoặc nếu họ không có những chiến lược cải tổ phương pháp và điều kiện hỗ trợ học tập; và với khả năng kinh tế lớn mạnh của các gia đình hiện nay, một số cơ sở đào tạo đại học trong nước có thể dần mất đi chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm do một số lượng lớn sinh viên chọn học ở nước ngoài hoặc chuyển sang các trường có uy tín hơn. Nhìn từ góc độ bao cấp, các cơ sở đào tạo ĐH này có thể không lo lắng lắm về việc thu hẹp quy mô đào tạo bởi giảng viên và nhân viên của họ vẫn được hưởng lương của nhà nước. Nhưng từ khi có chủ trương của Nhà nước về khoán kinh phí và giao quyền tự chủ về kinh phí cho các trường đại học, nếu không có chủ trương đúng đắn để thu hút tuyển sinh, các cơ sở này có thể đứng trước nguy cơ của sự phá sản, giống như kiểu một công ty kinh doanh, khi họ không có “khách hàng”.< Đứng trước tình hình đó, nhiều cơ sở đào tạo đại học buộc phải thực hiện công tác ‘Marketing’ (Tìm hiểu thị trường, thu hút khách hàng…). Cạnh tranh lành mạnh trong thu hút tuyển sinh chính là việc các cơ sở này phải nghĩ ra các biện pháp để tăng lượng sinh viên đăng ký đầu vào như quảng bá thương hiệu bằng chính đội ngũ giảng viên giỏi, cơ cở vật chất hiện đại, môi trường học tập thuận lợi, thư viện phong phú, học bổng đi học Sau Đại học ở nước ngoài cho sinh viên xuất sắc, học phí thấp hay quan trọng hơn là có nhiều ngành học mới hấp dẫn… Những mối quan tâm mà các trường đại học đặt lên hàng đầu sau khi mở rộng quy mô đào tạo, thu hút nhiều chỉ tiêu tuyển sinh hơn trước Scott (1998) nêu một số thử thách mà các trường đại học hoặc một quốc gia phải đối mặt khi có những chủ trương chuyển từ mô hình đào tạo “quý tộc” (Élite system) sang “đại trà” (Mass system). Trong khi đặt ra chiến lược thu hút ngày càng nhiều sinh viên vào học tại cơ sở đào tạo của mình, các trường đại học luôn phải tính đến các mối quan hệ khác giữa đào tạo và thị trường việc làm sau khi tốt nghiệp. Chúng ta thấy rằng một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp hàng năm tại hàng chục trường đại học trên cả nước phải đối mặt với thủ thách chạy đua tìm kiếm việc làm, hoặc làm việc không đúng với ngành nghề và chuyên môn được đào tạo, hoặc thất nghiệp. Mối quan tâm thứ hai là ở quy mô và hình thức của hình thức đào tạo đại trà. Nhiều biến thể của một trường đại học (cao đẳng_ junior college, cao đẳng cộng đồng_ community college, trường dạy nghề_ vocational training school, trung tầm bồi dưỡng đại học…) sẽ liên tiếp xuất hiện, phá vỡ sự cân bằng và vị thế độc đáo, đặc trưng của một số trường đại học trước đây, đồng thời tạo ra một sự phức tạp và hỗn độn trong xã hội. Mối quan tâm kế tiếp quan trọng hơn nhiều là việc các trường đại học phải vận hành theo cơ chế mới. Họ phải tự chủ về kinh tế và thiết kế được kế hoạch chiến lược phát triển của họ, trong đó có tình đến yếu tố quốc tế hoá và vai trò, nhiệm vụ của hợp tác quốc tế. Ngày càng có nhiều trường đại học không dựa hẳn vào nhân sách quốc gia để vận hành công việc đào tạo của mình. Thông qua các con đường khác nhau, họ có thể tìm kiếm nguồn hỗ trợ tài chính cho mình, kể cả việc thu học phí của sinh viên và xin tài trợ nước ngoài. Việc tự chủ trong kinh tế vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của họ khi họ phải vừa hoàn thành các nhiệm vụ đào tạo do nhà nước đặt ra, đồng thời phải thực thi những chiến lược riêng của trường, gắn kết với các nhiệm vụ kinh tế và xã hội của bản thân trường đại học đó. Điều này sẽ được bàn bạc cụ thể hơn ở mục kế tiếp. Và cuối cùng, tăng quy mô đào tạo đại trà cũng có nghĩa là phải quan tâm đến bản thân tiến trình “đại trà hoá” ấy. Mỗi khi số lượng sinh viên tăng lên; sinh viên thuộc nhiều độ tuổi khác nhau; với nhiều chuẩn mực và khả năng, yêu cầu đa dạng; ngày càng có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp…. chất lượng đào tạo cần phải được cải thiện để đáp ứng những sự biến đổi đó.Việc giới thiệu loại hình ‘đào tạo tín chỉ’ nên được áp dụng sớm để học viên có nhiều sự lựa chọn về khoá học cho mình. Phương pháp dạy-học hiện đại tận dụng tối ưu điều kiện của khoa học kỹ thuật cần được áp dụng rộng khắp và đồng bộ. Chương trình, giáo trình, phương pháp dạy học phải được cải tiến, hệ thống hoá. Chương trình liên thông (joint courses) giữa các trường phải được thiết lập để đảm bảo quyền lợi cho người học khi họ tích luỹ đủ tín chỉ và chuyển đổi sang các trường cùng hệ thống. Rõ ràng thách thức này của TCH đối với công tác Giáo dục đại học ở nước ta không phải là mới mẻ, bởi nó đã được chuẩn bị và đón đầu từ lâu ở các nước tiên tiến khác trên thế giới. Sau khi các nhà khoa học, các giảng viên, sinh viên được có cơ hội học tập và tiếp thu những văn minh từ nước ngoài trở về, họ chắc hẳn đã có những thay đổi từ trong nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc chuyển đổi có lợi cần phải thực hiện tại các trường đại học nơi họ công tác. Chính từ nhu cầu này, ta thấy hiện nay các cơ sở đào tạo đại học có xu hướng gửi những lãnh đạo trẻ, những nhà quản lý đại học đi đào tạo ở các lớp, khoá đào tạo ở nước ngoài về chiến lược và cách thức quản lý … để giúp họ nắm bắt và hoạch định được chiến lược cải tổ công tác quản lý đơn vị mình. Như vậy, thách thức này cũng chính là cơ hội, nếu nhìn nhận một cách lạc quan, để các trường đại học vươn lên xác định vai trò vị trí của mình trong nền kinh tế của nước nhà.
3. 3. Sự cần thiết phải thay đổi cơ chế từ đào tạo bao cấp sang tự chủ làm kinh tế
Vài thập kỷ trước, ở các quốc gia trên thế giới, chính phủ quyết định mọi chiến lược và hoạt động của giáo dục đại học, thì các nhà chính trị và những người đóng góp tiền của cho công tác này luôn đặt ra những nhiệm vụ chính trị, xã hội và kinh tế cho giáo dục đại học và những người làm công tác quản lý, hoặc đội ngũ giảng viên, nhân viên chỉ thừa hành những chỉ thị của cấp trên, với kinh phí và cơ chế quản lý bao cấp. Đứng trước những đổi thay có tính quyết định của lịch sử, lãnh đạo của các trường đại học không thể làm ngơ hoặc thụ động trong cơ chế mới, khi họ được giao quyền tự chủ về kinh tế và có quyền quyết định quản lý cơ sở của mình sao cho vừa thực hiện đúng, đủ các nhiệm vụ chính trị, vừa đem lại những hiệu quả về mặt kinh tế xã hội. Brooks (2001) cho rằng “thực chất của quá trình biến đổi (transformative process) chính là việc quản lý sự thay đổi”. Theo ông và một số cộng sự khác, kết quả của việc cơ cấu lại, sắp xếp lại hệ thống giáo dục đại học hiện nay sẽ làm cho các trường đại học thực sự trở thành những “công ty” hay “nhà máy sản xuất kiến thức” (knowledge factories), điều hành bởi những “giám đốc” với mục đích tôn chỉ là tăng cường và củng cố việc “sản xuất và phân phối tri thức và kỹ năng”. < Chúng ta thấy rằng công tác này đã ít nhiều khởi sắc ở Việt nam. Nếu trước đây, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học công lập là do Nhà nước và Bộ Giáo dục quy định; số biên chế giảng viên và nhân viên phục vụ giảng dạy cũng vậy; thì nay xuất hiện nhiều khả năng các trường đại học đứng trước nguy cơ mất dần sự thu hút sinh viên đầu vào, dẫn đến việc nhiều giảng viên không có đủ giờ chuẩn giảng dạy. Chỉ tiêu tuyển sinh ít cũng đồng nghĩa ngân sách nhà nước đầu tư cho trường đó để xây dựng, hoạt động… cũng thu hẹp. Thách thức này đòi hỏi các cơ sở đào tạo đại học tích cực vận dụng tìm ra những biện pháp để tiếp tục duy trì và thúc đẩy quy mô tuyển sinh hàng năm, bởi số sinh viên đăng ký đầu vào tăng đồng nghĩa với việc duy trì cơ sở đào tạo đó cùng những hoạt động của nó. Sự cạnh tranh đang thực sự diễn ra giống như kiểu doanh nghiệp làm ăn kinh tế, chứ không đơn thuần là hoạt động giáo dục ở các “viện hàn lâm” (academic institution) như trước. Sự cạnh tranh này cũng khốc liệt không kém ở thương trường khi các cơ sở đào tạo đại học liên tục bổ sung nội lực, đào tạo đội ngũ, liên kết quốc tế để có thể mở thêm nhiều mã ngành mới hấp dẫn sinh viên hơn. Trường Đại học Ngoại ngữ Huế khi được thành lập vào năm 2004 chỉ mới có một vài mã ngành đào tạo thì nay con số ấy đã tăng lên thêm ít nhất là 04 ngành mới do Nhà trường đã có những chủ trương chiến lược để mở rộng quy mô đào tạo, thu hút đầu vào khi các ngành truyền thống đã không còn hấp dẫn sinh viên như trước. Delanty (2001) đã đề cập một hướng mới trong mô hình quản lý các trường, viện đại học. Từ các phòng ban, khoa, bộ môn… đến các giảng viên, các nhà lãnh đạo… tất cả đều góp phần vận hành trường đại học như kiểu “kinh doanh thương mại”. Hiệu trưởng chính là Giám đốc điều hành, Trưởng Khoa/ Phòng nay là trưởng các bộ phận ‘Thị trường’ (marketing), ‘Nhân sự’ (personnel), ‘Sản xuất’ (Production), ‘Chăm sóc khách hàng’ (After-sale service), tất cả đều phục vụ tốt “khách hàng” của mình là sinh viên. Điều này cũng phần nào đúng với thực tế hiện nay ở nước ta. Các trường, viện giờ đây cùng nhau cạnh tranh tích cực để lấy chỉ tiêu tuyển sinh, các xuất đào tạo, học bổng học tập, cơ hội nghiên cứu, hoặc cùng cạnh tranh để có được những khoản ngân sách nhà nước cho các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Mỗi khi đã có sự cạnh tranh tích cực, chất lượng và hiệu quả đào tạo và quản lý đương nhiên được nâng lên nhiều lần; nội lực ngày một lớn mạnh giúp cho các trường đại học có thể đứng vững, đối mặt với các thách thức của toàn cầu hoá. Và cũng theo quy luật đào thải, nếu các cơ sở đào tạo không đủ sức cạnh tranh, không tự dịch chuyển vận hành theo cơ chế thị trường mới, họ sẽ mất nhiều cơ hội mà cụ thể nhất là không còn có đủ sinh viên đăng ký theo học để có thể tồn tại một cơ sở đào tạo đúng nghĩa. Sinh viên lúc bấy giờ sẽ làm chủ các nguồn thông tin về các trường đại học và họ quyết định chọn những trường đảm bảo cho họ một khả năng đào tạo có chất lượng và một nghề ổn định, thu nhập cao trong tương lai; xứng đáng với số tiền mà họ bỏ ra nộp học phí để được học ở trường đó. Hơn bao giờ hết, khi trọng trách đảm bảo sự sống còn của đơn vị được đặt lên vai những nhà quản lý chủ chốt, họ sẽ không còn thụ động chờ đón cơ hội và chấp nhận rủi ro nữa. Quyền lợi của họ và của những nhân viên dưới quyền giờ đây phụ thuộc chủ yếu vào họ. Khi quyền lợi gắn liền với nhiệm vụ một cách thiết thực, những nhà quản lý sẽ tích cực vận hành cỗ máy mà mình đang là đầu tàu để làm sao cho công việc “kinh doanh” có hiệu quả và đem lại lợi ích kinh tế, chú không chỉ là làm khoa học và hưởng lương ngân sách như trước. Tính tích cực, năng động, chủ động làm giàu vốn có khi làm ăn kinh tế sẽ được tương tự áp dụng vào quản lý đại học, giúp tạo ra sự biến chuyển nhanh chóng trong các cơ sở đào tạo về chất lượng và hiệu quả kinh tế.
3. 4. Hướng mới của việc tạo ra sản phẩm từ tri thức
Trên cơ sở dẫn chứng các định nghĩa và bàn luận của các tác giả đi trước, Delanty (2001) khẳng định TCH đã giúp tạo ra một sự chuyển dịch của “việc tạo ra sản phẩm từ tri thức” sang một hướng mới với những chức năng ứng dụng vào cuộc sống. Delanty thảo luận các hướng phát triển mới bao gồm: Việc chuyển giao quyền tự quyết về cho các đơn vị đào tạo dẫn đến sự tự chủ trong việc tổ chức quản lý và hoạt động của một trường đại học Sự xuất hiện của các đơn vị có thể “tạo ra sản phẩm từ tri thức” khác hơn là trường đại học: Trường đại học nay không còn là nơi duy nhất có thể sản sinh ra tri thức cho nhân loại, mà các cơ sở khoa học, viện nghiên cứu độc lập khác cũng có thể cạnh tranh… trong việc đem những tri thức tìm được đó áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Việc cạnh tranh này giúp các cơ sở đào tạo đại học và các trung tâm nghiên cứu ngày một nâng cao chất lượng hơn. Mối quan hệ giữa tri thức và xã hội: Tri thức không còn tách biệt mà trở nên gắn kết chặt chẽ với với nhu cầu áp dụng và sử dụng trong đời sống xã hội Với xu hướng ngày càng có nhiều người sử dụng tri thức để tạo ra những sản phẩmcó ích cho xã hội, rõ ràng tri thức không còn “chỉ là tri thức” mà bản thân nó đã được vận dụng tối đa để có thể áp dụng vào mọi mặt của cuộc sống, giúp cải tạo thế giới khách quan. Đây chính là lý do tại sao người ta nói đến sự cần thiết phải gắn kết chương trình giảng dạy với phát triển ngành nghề, tạo điều kiện cho người học có thể áp dụng tri thức và kỹ năng được đào tạo vào công việc của họ sau khi tốt nghiệp. Trong khi được tham dự các khoá bồi dưỡng về quản lý giáo dục ở nước ngoài, chúng tôi nhận thấy một kỹ năng hết sức quan trọng mà sinh viên hiện đại ngày nay cần phải lĩnh hội, đó là kỹ năng “có thể chuyển đổi được” (transferable). Từ này có thể được hiểu trong bối cảnh các cơ sở đào tạo đại học ngoài việc đào tạo tri thức và các kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho sinh viên, còn cần phải chú ý đào tạo và rèn luyện cho họ những kỹ năng xã hội khác để sinh viên có thể thích ứng với mọi điều kiện làm việc và cống hiến sau khi tốt nghiệp. Các kỹ năng này có thể bao gồm kỹ năng giao tiếp hiệu quả, kỹ năng trao đổi và thu nhận thông tin, kỹ năng chịu đựng áp lực, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng máy tính và các phương tiện thông tin khác, kỹ năng thương thuyết-thuyết phục, kỹ năng quản lý rủi ro, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng quản lý nhóm, quản lý thay đổi và chuyển tiếp… và còn nhiều kỹ năng khác nữa, giúp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, có thể thực hiện cùng một lúc nhiều nhiệm vụ khác nhau, có thể chuyển đổi môi trường làm việc.

Không có nhận xét nào: