(VTC News) – Vấn đề di dời các trường ĐH, CĐ có khuôn viên chật hẹp trong khu vực nội thành là một tất yếu. Nhưng hiện nay các trường đều đang vướng mắc ở khâu xin đất và giải phóng mặt bằng. Thậm chí sau khi đã có quỹ đất sạch, vấn đề xây dựng cơ sở như thế nào để đảm bảo hoạt động bình thường của nhà trường cũng khiến nhiều trường băn khoăn.
12 trường trong phương án di dời
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo ở các trường ĐH, CĐ mới chỉ đáp ứng ở mức rất thấp. Cụ thể, hệ thống trang thiết bị đào tạo, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu đào tạo; hệ thống cơ sở vật chất mới đáp ứng được 50% nhu cầu; hệ thống thư viện, cơ sở vật chất công nghệ thông tin còn rất yếu...
Theo nhận xét của KTS.TS Trần Thanh Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu thiết kế trường học, ở Hà Nội và cả TP.HCM hiện nay bình quân diện tích các trường quá thấp, phần lớn tổng quỹ đất của các trường nhỏ chủ yếu dưới 10 ha. Trong đó các trường phần lớn đều thiếu các khu chức năng cơ bản, khu học tập có mật độ xây dựng quá cao, môi trường sư phạm không đảm bảo…
Quy mô tuyển sinh các trường ngày càng tăng.
Do đó, nhu cầu giãn các trường ĐH có khuôn viên chật hẹp ở nội thành ngày một trở nên bức bách. Hướng đưa 3 vạn sinh viên ĐHQGHN lên Hòa Lạc cách 30 km với 1.000 ha là một giải pháp tất yếu.
Gần đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát lại quy hoạch của các trường theo hướng di dời ra khỏi nội thành. Phối hợp với bộ, ngành liên quan để tham mưu với chính phủ về cơ chế chính sách đầu tư, di dời các trường ra khỏi nội thành Hà Nội và TP.HCM.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: “Nếu chúng ta không có một kế hoạch cụ thể thì rất có thể khoảng 5-10 năm nữa những khu vực có bán kính 50 km xung quanh Hà Nội cũng sẽ không còn quỹ đất dành cho giáo dục mà các lĩnh vực khác sẽ đến trước.”
Theo phương án Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội vừa trình UBND thành phố cuối tháng 10/2010, 12 trường ĐH, CĐ sẽ được chuyển ra ngoại thành gồm đại học (ĐH) Công đoàn, ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Răng Hàm Mặt, ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Xây dựng, ĐH Y Hà Nội, ĐH Y tế Công cộng, Viện ĐH Mở, Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, Cao đẳng Y tế Hà Nội.
Các trường này được bố trí ở các khu đô thị vệ tinh như Gia Lâm (đào tạo khối Nông nghiệp, Kỹ thuật và Công nghệ), Sóc Sơn (đào tạo là Kỹ thuật, Công nghệ thông tin), Sơn Tây (đào tạo ngành Văn hóa xã hội, Sư phạm, Du lịch, kết hợp với hệ thống trường quân đội hiện có), Hòa Lạc (chủ yếu cho ĐHQG Hà Nội, đào tạo ngành Khoa học cơ bản, Công nghệ, Kỹ thuật, Y dược và các nghiên cứu chuyên sâu).
Chưa có giải pháp đồng bộ
Tại cuộc họp diễn ra ngày 30/11, Bộ GD&ĐT bàn với các trường ĐH, CĐ khu vực Hà Nội về việc di dời các trường ĐH có khuôn viên chật hẹp ra khỏi khu vực nội thành để lắng nghe ý kiến của các trường.
Đại diện trường ĐH Mỏ Địa Chất cho biết hiện tại diện tích trường khoảng 4 ha, số lượng sinh viên trên 15.000 sinh viên. Hiện nay, trường đã được chính phủ đồng ý quy hoạch 50 ha cùng 2 trường ĐH khác tại khu Đông Ngạc. Tuy nhiên, vấn đề giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do khâu đền bù còn vướng mắc. Trong khi đó diện tích trên đang bị các đơn vị khác, dân cư xung quanh đang dần lấn chiếm.
Lãnh đạo trường ĐH Mỏ Địa chất cho hay: “Chúng ta có được đất sạch rồi, muốn làm được nhanh cũng phải nhờ sự giúp đỡ của Bộ GD&ĐT. Kinh phí các trường có hạn, do học phí không mấy thay đổi. Ví dụ năm nay số tiền để giải tỏa khu vực trường là 300 tỷ nhưng năm sau sẽ là 500 tỷ trong khi đó cây cối người ta vẫn trồng”.
Một đại biểu thẳng thắn chia sẻ: “Mặc dù thành phố chỉ đạo nhưng cơ sở cấp huyện, cấp xã phải đồng ý vì nếu trên ép xuống nhưng người ta không cho hoặc không tạo các điều kiện thuận lợi thì việc giải phóng mặt bằng cũng rất khó thực hiện”.
Hầu hết các trường ĐH đều cho rằng khó khăn lớn nhất là tìm được nguồn đất sạch. Vì khi có đất sạch rồi các trường mới có thể kêu gọi được các nhà đầu tư. Theo ý kiến của nhiều trường ĐH, việc tìm nhà đầu tư không khó và mỗi trường sẽ có cách tìm nhà đầu tư theo điều kiện của mình.
ĐH Xây Dựng Hà Nội là một trong số 12 cơ sở ĐH phải di dời khỏi nội thành.
Đại diện của ĐH Xây dựng băn khoăn: “Khi đã có được ủng hộ thì cần chỉ ra đất sạch để các trường đăng ký. Kinh phí xây dựng hạ tầng có thể các trường phải chịu. Nếu như Bộ không cho được "đất sạch" mà yêu cầu các trường đi xin thủ tục từ dưới lên trên thì sẽ rất lâu và không hiệu quả”. Biện pháp trường đưa ra là chính phủ phải có chính sách xã hội hóa bằng nhiều hình thức để giúp đỡ các trường ĐH. Về phía ĐH Xây dựng chỉ cần nhà nước giao cho khu đất sạch, nhà trường có thể huy động các doanh nghiệp.
Để huy động tiền giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở trường mới, về phía trường ĐH Phương Đông, người đại diện cũng cho rằng, không thể bán toàn bộ diện tích nhà trường trong khu vực nội thành để lấy tiền đầu tư giải phóng mặt bằng và xây trường mới. Lý do là trong khoảng thời gian chờ trường mới thì nhà trường vẫn phải đảm bảo yêu cầu hoạt động dạy và học.
Vấn đề này được hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh vì việc di dời các trường ĐH ra ngoại thành không thể "treo" cả kế hoạch hoạt động của nhà trường. Cần tính đến yếu tố không để gián đoạn thời gian học của sinh viên.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, việc di dời các trường toàn bộ hay một phần là một tất yếu và bắt buộc các trường phải thực hiện tùy vào điều kiện cụ thể của từng trường.
Ngày 1/12, lãnh đạo Bộ GD&ĐT tiếp tục có cuộc làm việc với các trường ĐH, CĐ trong khu vực TP. HCM bàn về vấn đề di dời các trường ĐH có khuôn viên chật hẹp trong khu vực nội thành. Sau các cuộc họp này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra các biện pháp cần thiết giúp các trường tháo gỡ khó khăn.
Phạm Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét