18/12/10

25% giảng viên là tiến sĩ vào năm 2010: Vô vọng!

12/05/2009 - 11:17 PM
25% giảng viên là tiến sĩ vào năm 2010: Vô vọng!
Chỉ tiêu đến năm 2010 phải có 40% giảng viên ĐH, CĐ có trình độ thạc sĩ cũng khó khả thi với các trường CĐ.
Hôm qua (12-5), Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết ba năm thực hiện Quyết định 09/2005 của Thủ tướng về đổi mới công tác tổ chức cán bộ, quản lý cơ sở giáo dục. Tại hội nghị, bên cạnh các nhóm vấn đề như chế độ chính sách đãi ngộ giáo viên, công tác đào tạo sư phạm, nâng cao trình độ quản lý cán bộ..., nổi cộm nhất vẫn là việc nhìn nhận lại đội ngũ nhà giáo hiện nay.

Giáo viên thiếu, yếu và mất cân đối

Các đại biểu cùng nhìn nhận trong ba năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều bước phát triển mạnh, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng mạnh về số lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục của đất nước. Sự bất hợp lý về cơ cấu đội ngũ nhà giáo giữa các bậc học, chuyên môn, ngành nghề và giữa các vùng, miền đã dần được khắc phục.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đội ngũ nhà giáo còn nhiều hạn chế và yếu kém. Đội ngũ giáo viên mầm non còn thiếu về số lượng. Một bộ phận giáo viên mầm non còn hạn chế về năng lực (kiến thức, kỹ năng và thái độ) trong việc nuôi dạy trẻ.

“Đội ngũ giáo viên phổ thông nhìn chung vẫn đang ở tình trạng vừa thiếu vừa thừa: thừa giáo viên ở khu vực thuận lợi, đặc biệt là giáo viên dạy các môn cơ bản nhưng lại thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù. Còn ở vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì thiếu cả giáo viên cơ bản và giáo viên dạy các môn đặc thù. Phương pháp dạy học, đánh giá học sinh vẫn là điểm yếu của đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay” - ông Hiển nhận định.

Trong khi đó, khả năng giảng dạy, thực hành, kỹ năng nghiệp vụ sư phạm của giáo viên trung cấp chuyên nghiệp còn hạn chế. Số lượng giáo viên dạy nghề chưa tăng tương ứng với mức tăng quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề còn chưa hợp lý. Năng lực giảng dạy, kỹ năng thực hành nghề của giáo viên còn hạn chế.

Khối ĐH, CĐ và dạy nghề thiếu hai vạn giảng viên

Theo ông Hiển, tình trạng thiếu giảng viên ĐH, CĐ vẫn chưa được khắc phục, đặc biệt đối với những chuyên ngành đào tạo mới, môn học mới. Phương pháp giảng dạy, khả năng nghiên cứu khoa học vẫn là những điểm yếu của đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên giỏi kế cận chưa được chuẩn bị kịp thời để thay thế đội ngũ giảng viên đầu ngành là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đến tuổi nghỉ hưu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu một số nhóm vấn đề khó khăn nổi bật nhất hiện nay của ngành giáo dục. Theo đó, lĩnh vực ĐH, CĐ và dạy nghề hiện nay có sự mất cân đối lớn nhất, thiếu đến hai vạn giảng viên, thách thức về cả số lượng và chất lượng. Nếu không tập trung giải quyết vấn đề này một cách đồng bộ sẽ trở thành thách thức lớn nhất trong tương lai.

Trong khi đó, chỉ tiêu đặt ra trong đề án thực hiện Quyết định 09 là đến năm 2010 phải có 40% giảng viên ĐH, CĐ có trình độ thạc sĩ. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ GD&ĐT thừa nhận trên thực tế chỉ tiêu này có thể đạt được ở các trường ĐH nhưng khó có thể đạt được đối với các trường CĐ. Riêng chỉ tiêu 25% giảng viên ĐH, CĐ đạt trình độ tiến sĩ vào năm 2010 đối với các trường CĐ và nhiều trường ĐH là không khả thi!

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương phải có chương trình phát triển đội ngũ giáo viên để giải quyết tình trạng thiếu hụt và cân đối lại cơ cấu giáo viên bậc phổ thông, phát triển đội ngũ giáo viên ĐH, CĐ và dạy nghề.

Năm nhiệm vụ trọng tâm

Trong thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg với các nhiệm vụ trọng tâm:

- Triển khai chương trình quốc gia nhằm khắc phục sự lạc hậu của các chương trình đào tạo ở các trường sư phạm.

- Hình thành hệ thống giáo trình, sách giáo khoa chuẩn cho các trường sư phạm trong cả nước.

- Dự báo hàng năm nhu cầu giáo viên ở các trình độ, thực hiện đào tạo theo chuẩn.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giảng viên các trường sư phạm, nâng cao chất lượng đội ngũ về kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy.

- Tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để tạo một hành lang pháp lý đảm bảo cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ này theo hướng đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

TR.HIỆU - P.NGUYỄN

Không có nhận xét nào: