18/10/10

Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng: Chỉ làm những điều mình tin là đúng

thấy cô Phương Anh trả lời rất hay!!!


Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng: Chỉ làm những điều mình tin là đúng (10 / 09 / 2010)
(CTG) Vũ Thị Phương Anh bảo vệ luận án tiến sĩ ở Úc, năm 36 tuổi. Đến nay, bà đã làm việc trong ngành giáo dục 28 năm và hiện là giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Mặc dù đứng trong hệ thống giáo dục nhưng người phụ nữ này được biết đến như một tiếng nói phản biện khá bền bỉ chung quanh những bất cập của ngành này. Đằng sau những góp ý thẳng thắn là một tấm lòng dành cho giáo dục.

Phải hiểu, phải tha thiết với ngành giáo dục nhiều lắm thì người phụ nữ này mới mạnh dạn nói lời ngỏ với vị tân bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận: “Nếu có cơ hội nói, tôi khuyên bộ trưởng tập trung làm đến nơi đến chốn những việc đúng quy luật mà bộ đang làm, như tiếp tục đổi mới cơ chế quản trị theo hướng trao quyền tự chủ cho các trường, và đừng đưa ra thêm những sáng kiến mới, từ trường chuyên, cho đến những chỉ tiêu phi thực tế”.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra vào một buổi chiều trung tuần tháng 8, ít giờ sau khi GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields ở Ấn Độ.

Chính phủ vừa quyết định đầu tư 651 tỉ đồng cho Chương trình trọng điểm phát triển toán học trọng quốc gia. Bà đón nhận thông tin này như thế nào?

Hình như thế giới cũng tin rằng người Việt Nam giỏi toán. Biết đâu toán học là thành tựu khoa học hiếm hoi mà nước ta có thể có được. Thêm nữa, toán học chủ yếu là dùng tư duy, không đòi hỏi cơ sở vật chất quá hiện đại hoặc cũng có thể vì đầu tư cho toán học mang lại hiệu quả cao hơn các ngành khoa học cơ bản khác. Một dấu hỏi mà tôi đặt ra là chúng ta sẽ sử dụng những tiến sĩ toán này như thế nào?

Với chế độ lương bổng như hiện nay thì khó mà giữ chân được họ. Hay đào tạo xong rồi chúng ta sẽ xuất khẩu những tiến sĩ toán chăng? Điều này tôi nói nghiêm chỉnh chứ không đùa, vì tôi tin là thế giới cần. Nhưng lưu ý rằng họ chỉ cần những nhà toán học giỏi thực sự. Còn xã hội ta thì lại chưa sử dụng được những nhà toán học xuất chúng.

Phải chăng vì chúng ta chưa có môi trường khoa học thuần khiết?

Trong tiếng Anh có một câu nói rất hay mà người ta hay dùng khi hỏi về nguyên nhân của một thành tựu nào đó, rằng “Is it because of system, or is it in spite of the system?”. Câu này có nghĩa phải chăng thành tựu ấy là do hệ thống tạo ra, hay nó được tạo ra bất chấp hệ thống? “Hệ thống” được hiểu là môi trường chung quanh, gồm nhiều yếu tố như thể chế, văn hóa, xã hội… mà chúng ta thường gọi là “cơ chế”. Môi trường khoa học thuần khiết là có, nhưng hình như không do cơ chế tạo ra, mà hình thành từ những cộng đồng nhỏ hoặc nỗ lực của những cá nhân.

Bà là giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng. Thực chất, kiểm định chất lượng giáo dục là gì?

Kiểm định chất lượng giáo dục là cơ chế giám sát của hệ thống chuyên nghiệp. Ở các nước tiên tiến, cơ chế giám sát đối với chất lượng giáo dục gồm ba tầng. Thứ nhất là Nhà nước, giám sát bằng quy định và tiến hành hậu kiểm. Hệ thống thứ hai là người tiêu dùng, thể hiện sự giám sát của mình thông qua quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ giáo dục mà hình thấy là phù hợp. Và thứ ba là hệ thống kiểm định của các tổ chức xã hội nghề nghiệp lập ra, trong trường hợp này là cơ quan thuộc hiệp hội các trường đại học, và hoạt động độc lập với nhà nước.

Công tác kiểm định giáo dục ở Việt Nam ra đời cách nay khoảng 10 năm, xuất phát từ một giải pháp có tính “kỹ trị” (technocracy). Những người có trách nhiệm cho rằng một trong những yếu tố khiến giáo dục Hoa Kỳ thành công là nhờ hệ thống giám sát “ba tầng”.Nhìn lại mình, người ta thấy rằng chúng ta đang thiếu loại tổ chức này. Thiếu thì bổ sung. Tuy nhiên, người ta quên rằng “tầng thứ ba” ở Mỹ là tư nhân, hoạt động độc lập, và chỉ có thể phát huy trên cơ sở một nền giáo dục theo cơ chế thị trường.

Còn ở ta, từ lúc nó ra đời cho đến nay vẫn do Nhà nước quản lý. Tôi nghĩ chúng ta chưa đủ điều kiện để một tổ chức kiểm định tư nhân theo mô hình của Mỹ ra đời. Bởi nếu ngay lúc này mở cửa cho tư nhân tham gia kiểm định mà chưa có một cơ chế thị trường lành mạnh và đúng nghĩa (người tiêu dùng giáo dục được tự do lựa chọn, và nhà nước có cơ chế bảo vệ người tiêu dùng một cách hữu hiệu) thì rất dễ đẻ ra một hệ thống kiểm định sân sau của bộ chủ quản, dẫn đến khả năng xảy ra tham nhũng.

Theo bà, tình trạng tham nhũng trong giáo dục hiện nay đang ở mức nào?

Nếu áp dụng quan điểm của thế giới để đánh giá thì tôi nghĩ tham nhũng trong ngành giáo dục là rất nghiêm trọng, vì nó đã lan đến cấp thấp nhất là giáo viên đứng lớp. “Tham nhũng” ở đây được định nghĩa là “lạm dụng quyền hạn, vị trí công tác nhằm mục đích tư lợi”. Với định nghĩa này, rất nhiều việc ta đang xem là bình thường như đem học sinh về nhà để dạy thêm cũng là tham nhũng.

Tất nhiên, lương trả thấp mà buộc giáo viên phải làm rất nhiều việc, trong đó có cả những phong trào khá vô bổ, thì chuyện “tham nhũng” là khó tránh khỏi. Lương cho giáo viên đã trở thành câu chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi…

Chúng ta là nước nghèo. Vậy thì tại sao Nhà nước lại muốn bao thầu ngành giáo dục?


Hãy mở cửa cho tư nhân làm. Tư nhân biết những gia đình nào sẵn sàng đóng học phí năm triệu đồng/tháng và những gia đình nào không đủ khả năng đóng học phí.

Giáo dục công nên tập trung chăm sóc cho hai đối tượng là những tài năng đặc biệt và đối tượng nghèo, không đủ điều kiện đi học, còn lại để xã hội tự điều tiết. Có thể nhiều người không đồng tình nhưng tôi cho rằng nên dỡ trần học phí. Tuy nhiên, những trường muốn nâng học phí phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện đi kèm, được công khai, minh bạch.

Tôi nghĩ Nhà nước càng bớt nhúng tay vào quản lý giáo dục càng tốt. Ví dụ, Bộ Giáo dục của liên bang ở Mỹ chỉ làm một việc là xét cấp tiền hoặc cho vay tiền đối với người học đại học. Nhưng để vay được tiền thì người học phải chọn học ở những trường đã chứng minh được việc đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng, nhằm đảm bảo cả chất lượng lẫn khả năng hoàn trả khi người học tốt nghiệp ra trường.

Các tiêu chuẩn chất lượng này được quy định bởi chính các trường, bởi các hội nghề nghiệp, và sự thừa nhận của thị trường. Tất cả đều minh bạch và các đối tượng liên quan tự giám sát lẫn nhau. Nhà nước chỉ đóng vai trò điều tiết.

Trở lại với câu chuyện về kiểm định chất lượng giáo dục. Nhìn lại công tác này trong 10 năm qua, bà thấy sao?

Trong năm năm đầu, giai đoạn 2001- 2005, chúng ta chưa biết kiểm định là cái gì, nên phải mướn chuyên gia nước ngoài, khá tốn kém. Kinh phí triển khai dự án này là tiền vay của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Kết quả đánh giá 20 trường đại học đầu tiên có nhiều tranh cãi nên không được công bố ngay, khiến niềm tin của xã hội bị giảm sút.

Tôi có tham gia chương trình này ngay từ giai đoạn đầu tiên. Sau đó, dự án tiếp tục triển khai đánh giá thêm vài chục trường nữa, nhưng dường như cho đến nay kết quả cũng chưa được công bố rõ ràng. Tôi cho rằng tất cả những tranh cãi hoặc sơ sót vừa qua là tất yếu và cần thiết.

Dường như chúng ta quá nóng vội, nên có những đòi hỏi thiếu tính khả thi khiến rất dễ thất vọng. Tôi cho rằng lợi ích của khoảng thời gian 10 năm qua là giúp cho một số người hiểu được kiểm định là gì, thông qua những bài học thực tế, thậm chí đôi khi là những bài học xương máu.

Vậy thì mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục là gì?

Kiểm định chất lượng giáo dục là sản phẩm của Mỹ, được xem là một phần của xã hội dân sự. Thành ra, sẽ là khiên cưỡng nếu chúng ta cố gắng áp đặt mô hình này tại Việt Nam ngay lúc này mà không tính đến các điều kiện bên ngoài để thực hiện nó.Theo tôi, áp dụng mô hình kiểm định này trong cải cách giáo dục đại học có được một cái lợi hiển nhiên là dễ thuyết phục được World Bank cho vay tiền.

Tôi không thích lắm các dự án giáo dục triển khai bằng tiền vay của các tổ chức thế giới vì nhiều khi chủ nợ không quan tâm con nợ sẽ sử dụng khoản vay như thế nào, hiệu quả ra sao, mà chỉ muốn thực hiện mọi việc theo quan điểm và lợi ích riêng của mình. Nói về ngành giáo dục thì tôi nghĩ hiện nay ta đang có quá nhiều vấn đề cần giải quyết. Nhưng khi nói về nền giáo dục, thì tôi nghĩ rằng nước ta vẫn khá.

Tuy nhiên, nếu ngành giáo dục không thay đổi, thì nền giáo dục của ta sẽ ngày càng tệ. Giáo dục nước ta đào tạo cử nhân vẫn còn ở mức khá, nhưng bắt đầu hỏng từ khi chuyển sang đào tạo sau đại học một cách khá liều lĩnh, tức là duy ý chí thực hiện những việc ngoài tầm tay của mình. Đào tạo sau đại học cần phải rất bài bản, vì phần lớn những người được đào tạo sau đại học sẽ đứng trên bục giảng, truyền thụ kiến thức cho các thế hệ sau.



Theo Doanh nhan Sai Gon

Không có nhận xét nào: