25/11/15

Tích hợp môn Lịch sử: Cần một sự giải thích rõ ràng

Thời gian gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công khai Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, dự kiến tích hợp môn Lịch sử với môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc. Trước thông tin này đã có rất nhiều những phản ứng gay gắt từ các chuyên gia sử học, các giáo viên dạy lịch sử,… cho rằng việc “khai tử” môn Lịch sử ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông sẽ gây ra những thách thức và hậu quả khôn lường cho tương lai dân tộc.

Thực tế, nếu đọc hết toàn bộ dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì lại không thấy sự “biến mất” của môn Lịch sử giống như chúng ta nghĩ. Việc tích hợp Lịch sử với Giáo dục công dân chỉ là một phần nhỏ trong dự thảo này. Vai trò của môn Lịch sử vẫn được tồn tại ở cấp trung học phổng thông. Có chăng môn Lịch sử chỉ không trở nên rõ nét ở giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và trung học cơ sở).

Ở đây có một thông tin chưa đầy đủ nên dẫn đến những hiểu lầm và gây ra nhiều tranh luận trong thời gian gần đây. Chúng ta cùng xem lại “số phận” của môn Lịch sử qua từng cấp học trong dự thảo này (xem Bảng 1)



Nếu như hiện nay ở cấp tiểu học  môn Lịch sử  được đưa vào chương trình lớp 4 và lớp 5 dưới tên môn học Lịch sử và Địa lý, thì theo dự thảo mới, môn Lịch sử không có tên là một môn học riêng mà thay vao đó nội dung lịch sử và địa lý sẽ được lồng ghép trong môn học gọi là Tìm hiểu xã hội .
Ở cấp trung học cơ sở, thì nội dung này được truyền tải thông qua môn Khoa học xã hội, khác với hiện nay, Lịch sử và Địa lý là hai môn độc lập.

Ở cấp trung học phổ thông, sự phân chia có vẻ “phức tạp” hơn khi nội dung môn Lịch sử được dàn trải qua các môn: Công dân với Tổ quốc, Khoa học xã hội (là môn tự chọn dành cho học sinh có  xu hướng theo ban Tự nhiên), Lịch sử (là môn tự chọn dành cho học sinh có xu hướng theo ban Xã hội). Trong môn Công dân với Tổ quốc, một phần của lịch sử dân tộc dựng nước và giữ nước sẽ được dạy.
Như vậy, tên của môn Lịch sử vẫn còn được nhắc đến trong cấp trung học phổ thông. Tuy nhiên, một phần nội dung của nó sẽ được học bắt buộc trong môn Công dân với Tổ quốc, còn lại với môn Khoa học xã hội và Lịch sử thì là môn tự chọn. Nếu nhìn một cách tổng thể, thì dường như  môn Lịch sử đã được tách bóc ra một cách rời rạc. Và vai trò của môn Lịch sử không còn được rõ nét như hiện nay vì dường như Lịch sử vẫn là một môn tự chọn trong dự thảo này.
Một bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản. Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2,  Nhật bản đã có 5 lần cải cách chương trình giáo dục phổ thông, đặc biêt, với việc tích hợp môn Lịch sử trong môn Khoa học xã hội. Trong thời Minh Trị,  môn Lịch sử được dạy như một môn độc lập, tuy nhiên từ năm 1947, môn Lịch sử đã được gộp vào trong môn Khoa học xã hội và được dạy từ cấp tiểu học đến hết cấp trung học cơ sở. Sau nhiều lần cải cách, cuối cùng môn Lịch sử và Địa lý lại được tách ra thành hai môn độc lập được dạy ở cấp trung học phổ thông (từ năm 1989). Tuy nhiên, môn Lịch sử chỉ có phân môn Lịch sử thế giới là môn bắt buộc, còn phân môn Lịch sử Nhật Bản là môn tự chọn. Trong giai đoạn này, xã hội Nhật Bản đã vấp phải những vấn đề như sự xem nhẹ lịch sử dân tộc của giới trẻ (chỉ có khoảng 40% học sinh trung học phổ thông chọn môn này do môn này là môn tự chọn). Chính vì thế hiện nay, chính phủ Nhật đã có dự định đưa môn “Lịch sử Nhật Bản” trở thành môn bắt buộc trong cấp trung học phổ thông.

Có thể nói rằng việc tích hợp môn Lịch sử là một phần trong môn Khoa học xã hội đã được nhiều nước thực hành. Đó cũng là xu hướng chung của giáo dục thế giới. Xu hướng liên ngành, các môn học có sự liên quan đến nhau thì thường được gộp chung lại một nhóm để bổ sung và hỗi trợ cho nhau để người học tiếp thu dễ dàng hơn, thấy được ý nghĩa thực sự của môn học, giúp vận dụng môn học vào thực tiễn. Hơn nữa, việc tích hợp các môn cũng giúp người dạy có thể vận dụng đa dạng các phương pháp dạy học. Đó cũng là một phần giúp của người dạy tiến gần đến tự do học thuật.
Tuy vậy, nội dung tích hợp như thế nào để phù hợp với từng cấp học mới là điều đáng quan tâm, chứ nếu đổi mới mà chỉ là bề ngoài theo kiểu “bình mới rượu cũ” thì chắc chắn người học vẫn “lạnh nhạt” với môn Lịch sử. Và hơn cả là phương pháp dạy và học nội dung Lịch sử như thế nào để người học không cảm thấy hàn lâm và tẻ nhạt như việc ghi nhớ những dữ liệu ngày tháng, hay những con số giống như  chúng ta bắn rơi bao nhiêu chiếc máy bay, bao nhiêu quân địch bị bắt chết…Có lẽ chúng ta nên tập trung vào việc thay đổi phương pháp dạy và học nhiều hơn là tập trung vào sự thay đổi nội dung vì lịch sử vẫn là lịch sử.


Tăng Thị Thùy – NCS Giáo dục So sánh và Quốc tế

10/11/14

Thông tư 30 vẫn còn nhiều bất cập


Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định đánh giá học sinh tiểu học – đánh giá bằng nhận xét được ban hành như một bước tiến lớn trong việc thay đổi tư duy để đổi mới giáo dục nói chung và giáo dục tiểu học nói riêng. Nó không chỉ là sự thay đổi trong cách đánh giá kết quả học tập của người học một cách đơn thuần mà điều này còn làm cho giáo viên phải tự thay đổi phương pháp dạy học để phù hợp với cách đánh giá mới này. Điểm số được thay bằng những lời nhận xét (feedback) cũng là xu hướng chung của giáo dục quốc tế không chỉ ở bậc tiểu học mà còn sử dụng chung trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, không phải cứ theo xu hướng thì đều là tốt cả, tạm để xu hướng đó sang một bên mà nhìn nhận cách đánh giá này ở góc độ tâm lý học, chúng ta có thể thấy rằng con người phát triển tâm sinh lý theo từng giai đoạn. Nó thay đổi theo thời gian và không phải là bất biến. Hơn nữa, ở góc độ giáo dục học, giáo dục là một quá trình hình hành kiến thức và kỹ năng lâu dài.  Quá trình học tập của người học phát triển theo từng giai đoạn như tiểu học, trung học phổ thông, đại học…chia nhỏ hơn mỗi bậc học lại có từng năm học. Việc đánh giá kết quả của người học phải nhằm mục đích giúp người học tiến bộ trong mỗi quá trình đó. Vì thế đánh giá bằng điểm chỉ cho người học biết rằng kiến thức họ đạt được bao mức bao nhiêu trong tổng số mà chưa chỉ ra cho họ biết họ đã làm được những gì và cần phải làm gì để tiến bộ hơn. Điểm số không thể là công cụ đánh giá kết quả cuối cùng của người học. Cách đánh giá bằng nhận xét sẽ là một trong những giải pháp tập trung vào người học và giúp người học giải quyết được những khó khăn trong quá trình học tập.
Có thể nói Thông tư 30 đã tiếp cận theo hướng này tuy nhiên những nội dung và cách thức đánh giá của nó còn có rất nhiều vấn đề khiến những người trong cuộc gặp khó khăn trong việc thực hiện.
Theo quy định của Thông tư này, giáo viên sẽ đánh giá học sinh trên 3 nội dung: Chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học; Năng lực (tự phụ vụ; giao tiếp hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề); Phẩm chất (chăm học, chăm làm; tích cực tham gia hoạt động giáo dục;  tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỉ luật, đoàn kết;  yêu gia đình, bạn và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước).
Chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học: Bộ giáo dục đã ban hành Quyết định 16/2006/-BGDĐT về chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có chương trình giáo dục tiểu học quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học theo từng lớp. Tuy nhiên, quy định này phân ra yêu cầu đạt được của mỗi bài học mà chưa có một chuẩn kiến thức và kỹ năng tổng quan của từng môn học đó theo cấp độ vì thế rất khó khăn để giáo viên nhận xét cuối môn học hoặc phụ huynh cũng khó theo dõi được con mình có đạt được những kiến thức và kỹ năng của môn học đó không và con còn chưa đạt được kiến thức, kỹ năng nào.
Về phẩm chất của học sinh được đánh giá trên các phương diện chăm học, chăm làm; tích cực tham gia hoạt động giáo dục;  tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỉ luật, đoàn kết;  yêu gia đình, bạn và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước. Đây thực sự là một điều khó khăn cho giáo viên đánh giá học sinh theo cách mà Bộ quy định là Đạt hoặc Không đạt. Chẳng hạn, Điều 9 mục d) Yêu gia đình, bạn và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước: quan tâm chăm sóc ông bà, cha mẹ, anh em; kính trọng người lớn, biết ơn thầy giáo, cô giáo; yêu thương, giúp đỡ bạn; tích cực  tham gia hoạt động tập thể, hoạt động xây dựng trường, lớp; bảo vệ của công, giữ gìn và bảo vệ môi trường;  tự hào về người thân trong gia đình,  thầy giáo, cô giáo, nhà trường và quê hương; thích tìm hiểu về các địa danh, nhân vật nổi tiếng ở địa phương. Nếu như một học sinh không đạt được một trong những nội dung này như là không thích tìm hiểu về địa danh, nhân vật nổi tiếng ở địa phương thì lại học sinh đó có được coi là yêu quên hương đất nước không? Vậy thì học sinh đó được đánh giá là Đạt hay Không đạt về mặt phẩm chất? Đó chỉ là một trong những nhiều nội dung trong phần đánh giá phẩm chất của học sinh mà trong Thông tư đưa ra.
Hơn nữa, về năng lực và phẩm chất của học sinh tiểu học cũng được biểu lộ nhiều ở môi trường gia đình thì trong mục này lại không thấy vai trò của cha mẹ trong việc đánh giá. Năng lực và phẩm chất của học sinh thông thường không được các nước trên thế giới đánh giá Đạt (pass) hay Không đạt (fail) mà mỗi một học kỳ hoặc mỗi năm nhà trường sẽ có bản nhận xét đánh giá chung về năng lực và phẩm chất của học sinh đó.
Cách thức đánh giá mà Thông tư đưa ra cũng có rất nhiều vấn đề gây khó khăn cho giáo viên. Thứ nhất là quy định về việc đánh giá thường xuyên: không dùng điểm để đánh giá mà giáo viên phải dùng lời nói hoặc viết nhận xét học sinh hằng ngày và hằng tháng. Tuy công văn mới của Bộ là không nhất thiết phải nhận xét hết tất cả các học sinh nhưng trên thực tế giáo viên vẫn cần phải nắm bắt được kiến thức và kỹ năng của từng học sinh bị hổng chỗ nào, chỗ nào cần hoàn thiện thì việc nhận xét hàng ngày cho từng học sinh là điều khó thực hiện vì hiện nay sĩ số mỗi lớp rất đông. Việc nhận xét này thực sự có hiệu quả đối với từng cá nhân khi lớp học có số lượng học sinh ít. Đã có không ít giáo viên đối phó với việc này bằng việc dùng con đấu đóng vào mỗi phần bài của học sinh với những lời nhận xét rất ngắn gọn: Cô khen, hoàn thành bài tập, cần cố gắng…Thực sự những lời nhận xét đó không thể nào giúp học sinh biết được mình đã làm được gì và cần phải làm gì để tiến bộ hơn. Nếu như thế thì điểm số vẫn là một cách đánh giá hiệu quả hơn vì nó cho biết rằng học sinh đạt được bao nhiêu phần kiến thức của bài học đó. Ở đây, chúng ta nên hiểu rằng điểm số không phải là công cụ để đánh giá cả một quá trình học tập của học sinh nhưng nó vẫn có thể được dùng để cho biết về mặt lượng trong mỗi bước đi của cả quá trình. Hiện nay các nước trên thế giới không dùng điểm số để đánh giá thành tích học tập cuối cùng của học sinh chứ không phải là hoàn toàn không dùng điểm số trong suốt quá trình đó.
Thứ hai, không chỉ có đánh giá thường xuyên mà Thông tư còn quy định đánh giá định kỳ kết quả học tập và đánh giá tổng hợp. Đánh giá định kỳ kết quả học tập thông qua bài kiểm tra cuối kỳ 1 và cuối năm, dùng thang điểm 10, không cho điểm 0 và điểm thập phân. Đánh giá tổng hợp là kết quả cuối cùng thông qua hồ sơ đánh giá bao gồm học bạ; sổ theo dõi chất lượng giáo dục; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học; sổ liên lạc (nếu có); giấy chứng nhận hoặc giấy khen (nếu có)… Học sinh được được xác nhận hoàn  thành chương trình lớp học phải đạt các điều kiện sau:
- Đánh giá thường xuyên đối với tất cả các môn học, hoạt động giáo dục: Hoàn thành;
- Đánh giá định kì cuối năm học  các môn học  theo quy định: đạt điểm 5 trở lên;
- Mức độ hình thành và phát triển năng lực: Đạt;
- Mức độ hình thành và phát triển phẩm chất: Đạt; 

Tuy nhiên, trong quy định này không nói rõ nếu học sinh không hoàn thành đánh giá thường xuyên đối với các môn học nhưng bài kiểm tra vẫn đạt 5 trở nên thì xét như thế nào hoặc ngược lại hoàn thành đánh giá thường xuyên các môn học mà đánh giá định kỳ cuối năm học đưới điểm 5 thì ra sao? Nếu hoàn thành các môn học mà năng lực không đạt, phẩm chất đạt thì xét ra sao?...Trên thực tế sẽ có rất nhiều trường hợp xảy ra như vậy nếu quy định không chặt chẽ thì giáo viên và hiệu trưởng sẽ rất lúng túng trong việc xét đánh giá học sinh. Qua đây có thể cho thấy rằng, mặc dù Thông tư có đổi mới về tư duy trong giáo dục nhưng thực sự quy trình thực hiện nó vẫn còn nhiều những thủ tục hành chính và vẫn chưa được rõ ràng. 

Thông tư này sẽ đi vào thực tế hơn nếu chúng ta có thể tham khảo những kinh nghiệm của các nước khác và dựa vào tình hình thực tế của giáo dục nước nhà. Cuối cùng, xin trích một phần Bảng thành tích học tập cuối năm của một học sinh lớp 4 của một trường tiểu học ở Vương quốc Anh như sau:

Môn Tiếng Anh
(Đọc; Viết; Nghe – Nói; Chính tả; Tập làm văn)
Ellie rất cẩn thận lắng nghe và có thể đưa ra những lời nhận xét và câu hỏi liên quan. Em đã có rất nhiều chiến lược đọc hiểu để đưa ra những lời giải thích cho những từ và đoạn văn chưa biết, và biết cách sử dụng nó rất tốt. Kỹ năng lĩnh hội kiến thức của em rất khá, em bắt đầu biết sử dụng kỹ năng diễn dịch và suy luận trong bài viết. Phần viết của em rất có tổ chức, mạch lạc và giàu sức tưởng tượng. Ellie bắt đầu có sở thích viết lách, biết tổ chức, sắp xếp công việc của mình một cách độc lập và hiệu quả dù đôi lúc cần sự nhắc nhở. Em đang phát triển phong cách viết chữ rất gọn gàng.  Chính tả của em cũng rất tiến bộ.
Sự cố gắng: Xuất sắc
Kiến thức: Vượt chuẩn quốc gia
Sự tiến bộ: xuất sắc




Nội dung đánh giá HSTH (tổng hợp từ TT30-BDGĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2014)

 
Cách thức đánh giá HSTH (tổng hợp từ TT30-BDGĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2014)


Tăng Thị Thùy – Nghiên cứu sinh Khoa Giáo dục So sánh và Quốc tế, Đại học Chi Nan – Đài Loan